• :
  • :

Góc nhìn giáo dục: Cùng chia sẻ niềm vui Tết

Thưởng Tết, chuyện không mới nhưng luôn được quan tâm mỗi dịp Tết về. Thường là “kẻ khóc, người cười” với mức chênh lệch thưởng cả trăm lần giữa người này với người kia.

Thế nên, việc một số trường đại học ở phía Nam như Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh... thưởng Tết từ hiệu trưởng đến tạp vụ đều được hưởng số tiền thưởng Tết như nhau khiến nhiều người thấy ấm lòng.

Cách thưởng Tết này mang ý nghĩa rất nhân văn, nhất là trong môi trường giáo dục. Từ lâu, thưởng Tết trong ngành giáo dục vẫn là khái niệm “quá to tát”. Thực tế, ngành giáo dục không có bất cứ nguồn ngân sách nào cho thưởng Tết. Kinh phí mua quà lễ, Tết của các trường thường được lấy từ phần tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên, có nơi trích từ quỹ công đoàn trường. Tùy vào điều kiện thực tiễn mà có sự quan tâm khác nhau đến đội ngũ nhà giáo mỗi dịp Tết đến, xuân về. Nhiều nơi khó khăn, mức hỗ trợ cũng chỉ mang tính chất động viên. Bởi vậy, khoản thưởng đồng đều từ trên xuống dưới không chỉ tạo cảm giác công bằng cho người lao động mà còn thể hiện tinh thần sẻ chia “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”. Tất cả cùng chung niềm vui lớn nhất là sum vầy.

Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới. 

Dù có ý kiến cho rằng thưởng như vậy là cào bằng tất cả mọi người như một, người có đóng góp ít cũng như người có đóng góp nhiều. Tuy nhiên, thưởng Tết không giống như các kỳ thưởng khác, không nên xem là lương. Thưởng Tết là phúc lợi xã hội, mỗi năm chỉ có một lần vào thời điểm chi tiêu của mỗi gia đình tăng lên rất nhiều. Với những người lao động thu nhập thấp, việc thưởng Tết thấp sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn, trong khi những người lương cao, thưởng Tết tuy có thấp đi nhưng họ không vì thế mà thiếu thốn.

Trong suốt một năm, hằng tháng, các cán bộ quản lý, người có bằng cấp cao công tác tại trường đều có thu nhập tương ứng và đều nhận mức cao hơn người lao động bình thường khác. Căn cứ vào hiệu quả hoạt động trong một năm, người sử dụng lao động chia sẻ lợi ích với người lao động thông qua mức thưởng cuối năm. Không bàn về mức thưởng cao, thấp. Không so đo, đối chiếu với các nơi khác. Nhưng việc thưởng Tết theo mức chung ít nhiều tác động tích cực đến tâm lý người lao động, góp phần giữ gìn quan hệ lao động hài hòa, cũng như thúc đẩy tinh thần làm việc cống hiến, hướng tới một giá trị chung. Tất cả được thưởng Tết như nhau có nghĩa là mọi người đều có một cái Tết ý nghĩa, vui vẻ hơn.

Hình thức thưởng Tết đồng đều từ người lãnh đạo quản lý đến nhân viên là sự ghi nhận công sức của tất cả mọi người. Mỗi người, mỗi công việc đều đem lại giá trị chung cho nhà trường. Sự “khéo co thì ấm” ấy không những có ý nghĩa nhân văn mà thể hiện sự quản trị kiểu mới, thủ trưởng thăm hỏi, chăm lo cho nhân viên, không còn tư duy phải cấp dưới cung phụng cấp trên. Tư duy ấy cũng góp phần loại bỏ những ưu ái phân chia thứ bậc còn tồn tại ở một số lĩnh vực.

THÁI AN

Tags: Tết