• :
  • :

Gia tăng trẻ gặp tai nạn, đuối nước dịp cuối kỳ nghỉ hè

Dù đã sắp bước vào năm học mới, Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn tiếp nhận nhiều ca bệnh nhi đuối nước hoặc gặp các tai nạn thương tích, ong đốt... Đây là hồi chuông cảnh tình cho các bậc phụ huynh về việc quản lý chăm sóc con cái dịp nghỉ hè.

Cấp cứu trẻ bị đuối nước sai cách gây hậu quả nghiêm trọng

Tuần vừa qua, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 5 trường hợp đuối nước nghiêm trọng, trong đó chỉ có 1 trẻ được sơ cấp cứu ban đầu đúng cách nên đã hồi phục tốt, 4 trẻ còn lại do, không được thổi ngạt, ép tim ngay mà bị bế dốc chạy nên vẫn trong tình trạng nguy kịch.

Gia tăng trẻ em nhập viện do tai nạn thương tích, đuối nước

Gia tăng trẻ em nhập viện do tai nạn thương tích, đuối nước

Ngày 10/8, bé trai (3 tuổi, Thái Nguyên) đi bơi cùng anh trai (14 tuổi) tại bể bơi. Sau đó, trẻ được phát hiện chìm trong bể bơi người lớn trong tình trạng môi tím, da trắng nhợt, không cử động. Trẻ được nhân viên tại bể bơi ép tim và thổi ngạt khoảng 2 phút, sắc da hồng trở lại.

Tuy nhiên, trẻ lại được vác chạy trong 5 phút, nhận thấy tình trạng trẻ không cải thiện, mới chuyển đến trạm y tế gần nhất và bệnh viện huyện. Tại đây, trẻ được thở oxy, có nhịp tim trở lại, nhưng tiểu tiện không tự chủ, có cơn co cứng nên chuyển bệnh viện tỉnh. Trẻ tiếp tục được các bác sĩ đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Thời điểm nhập viện, bệnh nhi hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy đa tạng, được điều trị thở máy, ổn định huyết động, lọc máu,kháng sinh và sử dụng biện pháp hạ thân nhiệt chủ động để bảo vệ não.

Tuy nhiên, sau 3 ngày, tình trạng của trẻ vẫn nặng nề, nguy cơ tử vong cao do suy đa cơ quan, thời gian thiếu oxy não kéo dài vì không được sơ cấp cứu ban đầu đúng cách.

Tiếp đến là trường hợp bé trai 12 tuổi ở Nam Định, đuối nước ở sông gần nhà. Khi vớt trẻ lên, người cấp cứu không rõ trẻ có ngừng thở, ngừng tim hay không mà chỉ biết trẻ tím tái và vác ngược chạy khoảng 10 phút, mặc dù trẻ có cân nặng khá lớn (50kg).

Khi thấy không hiệu quả, trẻ mới được ép tim và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện, trẻ có nhịp tim trở lại sau 15 phút cấp cứu.

Tuy nhiên, do thời gian ngừng tim trước đó kéo dài (trên 30 phút) nên mặc dù được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ vẫn hôn mê sâu, suy hô hấp, tiên lượng di chứng thần kinh nặng nề.

Trong đó có một bé gái 4 tuổi ở Hà Nội bị đuối nước khi đi tập bơi đã may mắn hồi phục tốt do sơ cấp cứu ban đầu đúng cách. Mẹ của bé gái cho biết, trước khi vào viện trẻ được bố mẹ cho đi học bơi tại bể bơi gần nhà, trong quá trình bơi trẻ gần như đã biết bơi và được cho sang bể của người lớn tập bơi dưới sự giám sát của bố và cô giáo dạy bơi.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, khi sang bể người lớn trẻ không thích bơi, không hợp tác nên sau khoảng 5 phút có dấu hiệu bị đuối nước. Khi phát hiện trẻ tím tái, cô giáo và bố vớt trẻ lên và tiến hành sơ cứu ép tim, thổi ngạt liên tục, không làm theo cách sơ cấp cứu đuối nước sai lầm thường mắc là dốc ngược chạy, gây mất thời gian vàng để cứu sống trẻ.

Sau cấp cứu khoảng 1 phút, trẻ có nhịp thở lại và được chuyển tới tới cơ sở y tế. Mặc dù khi trẻ vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nặng, nhưng chỉ sau 3 ngày, trẻ đã cai được máy thở. Hiện tại, trẻ hoàn toàn tỉnh táo và chuẩn bị được xuất viện.

ThS.BS Hoàng Ngọc Cảnh, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Việc sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu ôxy. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Vì thế, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay..

Việc nhiều người có thói quen dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy sẽ làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi (ép tim/thổi ngạt), làm mất thời gian vàng để cấp cứu trẻ, thậm chí gây thêm các tổn thương cho trẻ.

Gia tăng tai nạn thương tích, ong đốt

Trước đó hai tuần, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho 4 trẻ bị ong vò vẽ đốt, trong đó có 2 trường hợp nhập viện trong tình trạng rất nặng.

Bệnh nhi đầu tiên là bé gái A.T (2 tuổi, ở Ninh Bình). Theo chia sẻ của gia đình, ngày 25/7/2024, khi đang chơi cùng ông bà trong vườn nhà, trẻ bất ngờ bị một đàn ong vò vẽ đốt vào đầu, tay và lưng.

Sau khi bị đốt, gia đình đã nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện địa phương cấp cứu, trẻ được chẩn đoán tăng men gan, tiêu cơ vân cấp và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.

Bác sĩ khoa Cấp cứu và Chống độc thăm khám cho bé gái A.T (2 tuổi, ở Ninh Bình)

Bác sĩ khoa Cấp cứu và Chống độc thăm khám cho bé gái A.T (2 tuổi, ở Ninh Bình)

Tại khoa Cấp cứu và Chống độc, trẻ được điều trị tình trạng tiêu cơ vân cấp, sử dụng phương pháp lợi tiểu cưỡng bức phòng suy thận cấp. Hiện sau 4 ngày điều trị tình trạng sức khỏe trẻ đã ổn định và xuất viện.

Đặc biệt trong cùng ngày, các bác sĩ khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận bệnh nhi H.T (11 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ do ong vò vẽ đốt.

Người nhà bệnh nhi cho biết: Khi đang chơi bóng cùng các bạn trước cổng nhà thì bị 2 con ong vò vẽ đốt bất ngờ vào vùng lưng bả vai. Sau đốt, bệnh nhi xuất hiện đỏ da toàn thân, ngứa, sau khoảng 10 phút trẻ vã mồ hôi, ngất và được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong tình trạng mất ý thức, gọi hỏi không đáp ứng, mạch nhanh nhỏ 130 lần/phút, huyết áp không đo được, tim đập nhanh, SpO2 94-96%.

Tại đây trẻ được xử trí theo phác đồ sốc phản vệ, sau xử trí trẻ tỉnh hơn và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Sau khi tiếp nhận và thăm khám ban đầu tại khoa Cấp cứu và Chống độc, trẻ được chẩn đoán sốc phản vệ do ong vò vẽ đốt. Trẻ tiếp tục được dùng adrenalin, thở oxy hỗ trợ, dùng các loại thuốc theo phác đồ xử trí sốc phản vệ và phòng các biến chứng do bị ong đốt. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe trẻ ổn định và đã được ra viện.

BSCKII Nguyễn Tân Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Ong bao gồm 02 họ chính là Vespidae (họ ong vò vẽ) và Apidae (họ ong mật).

Họ ong vò vẽ gồm ong vò vẽ, ong đất, ong vàng. Nhóm này có ngòi nọc trơn không ngạnh, có thể đốt nhiều lần. Họ ong mật gồm ong mật, ong nghệ và ong bầu. Nhóm này ngòi nọc có ngạnh, nên sau khi cắm vào da vật bị đốt, ngòi nọc không rút ra được và ong bị chết, mỗi ong mật chỉ đốt 1 lần.

Đối với ong vò vẽ, nọc của chúng là một hỗn hợp các peptide và các chất trung gian viêm như histamin, phospholipase A2 và các acid amin,… với khoảng 40 thành phần có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tiêu cơ vân, suy thận cấp,… Mức độ nặng của liều độc phụ thuộc vào loại ong, số nốt và vị trí đốt.

Đối với người lớn được coi là nặng nếu bị ong đốt trên 30 nốt, còn với trẻ em là trên 10 nốt, nếu không được xử trí kịp thời, nạn nhân rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân trẻ em bị ong đốt thường do trẻ trêu, nghịch, phá tổ ong (thường là ong vàng hoặc ong vò vẽ) hoặc vô tình bị ong đốt khi đang vui chơi.

Để phòng tránh ong đốt, BSCKII Nguyễn Tân Hùng khuyến cáo: Trường hợp trẻ không may bị ong vò vẽ đốt, cha mẹ cần lấy vòi ong (nếu có) bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra, rửa sạch vùng bị đốt bằng xà phòng hoặc nước sạch và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 8
Tác giả: Phương Thu
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...