• :
  • :

Đưa pháp luật đến từng thôn, bản

Thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” (gọi tắt là Đề án 1371), những ngày cuối năm, tuy bộn bề công việc, song cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa vẫn băng rừng, lội suối, hành quân đến từng thôn, bản vùng sâu, vùng xa, tích cực tuyên truyền, PBGDPL cho người dân. Với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả và phù hợp, bộ đội đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức “thượng tôn pháp luật” của bà con.

Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là hai huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Khánh Hòa, có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số cao. Những năm qua, được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và các lực lượng chức năng, điều kiện kinh tế-xã hội, cuộc sống của bà con nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Song vì nhiều nguyên nhân, việc chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân vẫn còn hạn chế. Trước thực tế đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người dân Khánh Sơn, Khánh Vĩnh luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

Mới đây, mặc dù trời mưa lất phất, gần 200 đại biểu là thành viên Hội đồng Nghĩa vụ quân sự, già làng, trưởng thôn, chức sắc, chức việc tôn giáo của hai huyện vẫn có mặt đông đủ từ rất sớm tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Khánh Sơn để nghe Đại tá Trịnh Việt Thành, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 1371 và đồng chí Phan Quý Thành, Trưởng phòng PBGDPL (Sở Tư pháp), thành viên Ban chỉ đạo Đề án 1371, giới thiệu những nội dung cơ bản nhất của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 và công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình. Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng; phong thái tự tin, làm chủ hoàn toàn nội dung; phương pháp phân tích, giảng giải, liên hệ, vận dụng sát đúng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; ngắn gọn, trực quan, sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, kết hợp hài hòa giữa thuyết trình với trình chiếu..., trong suốt quá trình đứng lớp, các báo cáo viên luôn tạo được sự quan tâm, tập trung, chú ý cao độ của người nghe.

Cán bộ Sở Tư pháp và Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa phát tờ rơi, tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình cho trẻ em huyện vùng cao Khánh Sơn. 

Nhiều năm tham gia tuyên truyền, vận động tuyển quân, hòa giải, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống bạo lực gia đình... già làng Cao Ngọc Xá ở xã Sơn Lâm và già làng Cao Thanh Bình ở xã Sơn Hiệp, cùng ở huyện Khánh Sơn, đã rất am hiểu về các điều luật. Tuy nhiên, quá trình tham dự buổi tuyên truyền, PBGDPL, được nghe các báo cáo viên hệ thống, khái quát lại toàn bộ quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chức năng, nhiệm vụ, truyền thống, bản chất tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam; vai trò, trách nhiệm của mỗi công dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; tiêu chuẩn công dân được gọi nhập ngũ; các trường hợp tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ; các quy định về phòng, chống bạo hành gia đình ở Việt Nam; các vấn đề phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình..., các già làng cảm thấy rất thiết thực, bổ ích.

Phát biểu thảo luận, già làng Cao Xuân Đảm ở xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, nêu ý kiến: “Hiện nay, nhiều thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ của xã Sơn Bình đang đi làm ăn xa, không có mặt tại địa phương. Với ý thức, trách nhiệm của một công dân đối với Tổ quốc, mỗi khi có lệnh gọi, họ đều sắp xếp thời gian, công việc, trở về địa phương tham gia khám tuyển đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chi phí tàu xe đi lại luôn là rào cản lớn đối với các thanh niên, rất mong Bộ CHQS tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ”. Trên tinh thần dân chủ, cởi mở, vấn đề này được các thành viên Ban chỉ đạo Đề án 1371 nghiêm túc tiếp thu, lĩnh hội, phối hợp cùng các lực lượng chức năng từng bước nghiên cứu và tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thanh niên địa phương hăng hái tham gia khám tuyển.

Nhận 300 tờ rơi tuyên truyền, PBGDPL từ Thượng tá Nguyễn Ngọc Giỏi, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa, anh Mấu Thanh Minh, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Sơn Trung (huyện Khánh Sơn) cho biết: “Hiện nay, tuy các thôn, xã đều có tủ sách pháp luật, song do các tài liệu thường chứa nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu nên đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao rất ngại tìm hiểu, tiếp cận. Với những kiến thức, kỹ năng được trang bị tại hội nghị lần này, cùng những tờ rơi nhỏ gọn, bắt mắt, dễ nhớ, dễ hiểu..., việc đưa pháp luật xuống từng thôn bản, xuống mỗi người dân của chúng tôi đã trở nên thuận lợi hơn trước rất nhiều”.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trịnh Việt Thành cho biết: “Với chức năng, nhiệm vụ của mình, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh luôn tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong chấp hành pháp luật, kỷ luật và vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, tích cực góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo kế hoạch, trong tháng 12, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, PBGDPL cho bà con thành phố Nha Trang, Cam Ranh và một số địa phương khác trong tỉnh”.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” và những cách làm thiết thực, phù hợp, hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, PBGDPL, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân nơi thôn bản vùng cao. Hình ảnh những thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi của huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh hăng hái viết đơn xung phong nhập ngũ trong những ngày cuối năm là minh chứng sinh động, rõ nét cho điều đó.

Bài và ảnh: AN KHANG

Tags: pháp luật
Lượt xem: 11
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết