• :
  • :

Đề thi đổi mới, cách học phải khác

Năm 2025 đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong việc đổi mới đề thi tại các kỳ thi quan trọng của học sinh phổ thông Hà Nội, đó là thi tuyển sinh vào...

Đề thi theo hướng đánh giá năng lực, tăng tính thực tiễn, giảm học thuộc lòng. Trước yêu cầu mới, học sinh vào lớp 9 và lớp 12 năm học tới cần sớm điều chỉnh cách học; nhà trường cũng cần đổi mới phương pháp giảng dạy, hỗ trợ học sinh chuẩn bị vững vàng cho các kỳ thi năm 2026.

hoc-sinh.jpg

Giám thị phổ biến quy chế kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 cho thí sinh tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (phường Hoàn Kiếm). Ảnh: Minh Khang

Ngữ liệu thi nằm ngoài sách giáo khoa, tăng tính vận dụng

Ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2025-2026 tại Hà Nội, đề thi ngữ văn gây ấn tượng với việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa - điều chưa từng xuất hiện trong nhiều năm trước. Đoạn trích “Hạnh phúc” của nhà thơ Giang Nam, một tác phẩm giàu tính nhân văn, là ngữ liệu chính của đề thi. Việc chọn lựa ngữ liệu này không chỉ giúp loại bỏ tình trạng học sinh học lệch, học thuộc các bài văn mẫu có sẵn, mà còn khuyến khích các em phát triển kỹ năng đọc hiểu sâu sắc, tư duy phản biện và thể hiện quan điểm cá nhân một cách tự nhiên, sáng tạo.

Một bài toán nổi bật trong đề thi vào lớp 10 năm nay không còn là bài toán mô hình khô khan, mà bắt đầu từ tình huống cụ thể trong doanh nghiệp vận tải, đòi hỏi học sinh phân tích, vận dụng kiến thức. Đây là minh chứng cho sự chuyển hướng mạnh mẽ của đề thi toán theo chương trình mới, tăng cường kỹ năng giải quyết vấn đề thay vì chỉ tập trung vào việc ghi nhớ công thức và thực hành các bài tập tính toán.

Còn tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đề thi ngữ văn tiếp tục xu hướng đổi mới tương tự khi không còn bó hẹp trong các tác phẩm truyền thống, mà mở rộng sang các ngữ liệu đa dạng, gần gũi với đời sống. Câu nghị luận xã hội với chủ đề “Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” là minh chứng rõ nét cho tính thời sự và nhân văn được lồng ghép trong đề thi. Chủ đề này không chỉ giúp học sinh bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước, mà còn khơi dậy tinh thần trách nhiệm và bản sắc văn hóa trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển.

Đề thi toán tốt nghiệp trung học phổ thông cũng đặt trọng tâm vào liên hệ thực tiễn, với nhiều câu hỏi sử dụng ngữ liệu đời sống giúp học sinh hình dung rõ hơn về ứng dụng toán học trong cuộc sống hằng ngày.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Ngọc Hà thông tin, đề thi tốt nghiệp năm nay bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phân bổ tỷ lệ kiến thức ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng hợp lý, trong đó phần vận dụng chiếm đến 30%. Điều này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực phân tích, tổng hợp và áp dụng kiến thức vào thực tế, thay vì chỉ học thuộc máy móc.

 

Chủ động thay đổi cách học, cách dạy

Từ những đổi mới này, có thể thấy rõ yêu cầu đặt ra cho học sinh chuẩn bị bước vào lớp 9 và lớp 12 năm học 2025-2026.

Theo các chuyên gia, những thay đổi trong đề thi đặt ra yêu cầu lớn đối với học sinh và giáo viên trong việc chuyển đổi phương pháp học - dạy. Học sinh cần chú trọng phát triển tư duy phản biện, kỹ năng phân tích và vận dụng kiến thức vào thực tế, thay vì học thuộc lòng hay học tủ. Việc tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thực hành ngôn ngữ và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ giúp các em có nền tảng vững chắc hơn để bước vào kỳ thi cũng như phát triển toàn diện trong tương lai.

Cô giáo Lâm Kiều Ninh (Trường Trung học cơ sở Đống Đa) cho rằng, đề thi lần đầu tiên không còn gói gọn trong sách giáo khoa giúp hạn chế tình trạng học thuộc lòng. Để đáp ứng tốt những yêu cầu của kỳ thi năm 2026, học sinh không nên chỉ lệ thuộc vào việc học trong sách giáo khoa. Với sự hướng dẫn của thầy cô, các em cần mở rộng nguồn tham khảo, quan tâm hơn tới các sự kiện thời sự đang diễn ra.

Đồng quan điểm, nhiều giáo viên cho rằng, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2026, đối với môn toán, học sinh cần củng cố nền tảng kiến thức, đồng thời rèn luyện tư duy logic và kỹ năng giải quyết các bài toán thực tiễn. Còn với môn tiếng Anh, ngay từ khi vào học lớp 12, các em cần xây dựng thói quen học theo định hướng năng lực: Luyện đọc đa dạng, mở rộng vốn từ vựng và chú trọng kỹ năng phân tích, xử lý thông tin.

Chia sẻ kinh nghiệm học tập khi vừa trải qua kỳ thi quan trọng, thí sinh Nguyễn Tuấn Anh (nguyên là học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều) cho biết, xây dựng kế hoạch ôn luyện sớm, kết hợp học hỏi từ nhiều nguồn tài liệu và thực hành thường xuyên giúp tôi cảm thấy tự tin hơn trước những thay đổi của đề thi.

Trong khi đó, cô giáo Trịnh Thu Tuyết (giáo viên ngữ văn Hệ thống giáo dục HOCMAI) cho rằng, phương pháp dạy học cần đổi mới mạnh mẽ, tập trung vào phát triển năng lực phân tích, tổng hợp và bày tỏ quan điểm cá nhân của học sinh. Giáo viên cần tạo môi trường học tập tích cực, khuyến khích thảo luận và sáng tạo, tránh việc dạy học máy móc theo lối truyền thống.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các nhà trường đã được chỉ đạo tăng cường phát triển kỹ năng đọc hiểu, viết luận và giải quyết vấn đề cho học sinh. Các hoạt động ngoại khóa và dự án thực tế cũng được tổ chức nhằm giúp học sinh áp dụng kiến thức một cách linh hoạt và sáng tạo. Năm học tới, các nhà trường sẽ tăng cường phối hợp với gia đình và xã hội, giúp học sinh chủ động, tự tin hơn trong học tập và tham gia các kỳ thi.

 
Lượt xem: 8
Nguồn:hanoimoi.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...