Để tăng lương thực sự ý nghĩa
Từ ngày 1-7, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được tăng lương thông qua việc điều chỉnh lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%).
Cùng với đó, người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng sẽ được tăng thêm 15%. Đây là các mức tăng cao nhất từ trước tới nay, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, góp phần quan trọng cải thiện đời sống người hưởng lương cũng như các đối tượng đang hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách khác gắn với lương cơ sở.
Lẽ dĩ nhiên là người hưởng lương rất vui vì thu nhập sẽ tăng đáng kể, nhưng bên cạnh đó cũng còn nỗi lo lớn là nếu không quản lý tốt, giá cả sẽ ồ ạt tăng theo. Giá cả tăng thì sức mua của đồng tiền giảm, việc tăng lương vì thế mà nhiều khi chỉ còn là hình thức nhằm bù trượt giá. Để tăng lương thực sự có ý nghĩa thì việc làm trước tiên là không để giá các mặt hàng “té nước theo mưa”.
Ảnh minh họa / Vietnam+ |
Cùng với đó, hiện nay, thuế thu nhập cá nhân đang bộc lộ bất cập. Mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cho cá nhân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho một người phụ thuộc khi tính thu nhập chịu thuế là quá thấp, lỗi thời. Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã phân tích, chỉ rõ những bất cập này. Luật Thuế thu nhập cá nhân cần sớm được sửa đổi theo hướng tăng mức giảm trừ gia cảnh và điều chỉnh biểu thuế lũy tiến phù hợp với thực tiễn. Nếu không, một phần không nhỏ thu nhập từ việc tăng lương của người hưởng lương lại “quay về” ngân sách vì phải nộp thuế, khiến niềm vui tăng lương không trọn vẹn.
Cũng phải nói thêm, chỉ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng... và người lao động trong khu vực doanh nghiệp là có thể được thụ hưởng chính sách tăng lương nhờ việc tăng lương cơ sở, lương hưu hoặc tăng mức lương tối thiểu vùng. Ngược lại, hàng chục triệu nông dân và khoảng 33 triệu lao động tự do trên cả nước thì có lẽ chưa bao giờ có khái niệm “tăng lương”.
Trước mỗi đợt tăng lương cho người hưởng lương, họ không khỏi ngậm ngùi vì không những thu nhập không tăng mà còn có thể phải chịu tác động tiêu cực khi giá cả, lạm phát tăng theo. Điều này càng cho thấy việc “kìm cương” giá cả khi tăng lương là vô cùng cần thiết, đồng thời, cũng cần thúc đẩy chính sách tạo việc làm, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội phù hợp cho các đối tượng này. Chỉ khi làm được điều đó, việc tăng lương mới thực sự có ý nghĩa.
PHƯƠNG HIỀN