• :
  • :

Để ngày nào cũng là “tháng công nhân”

Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc vừa tổ chức lễ phát động Tháng công nhân năm 2024.

Sau buổi lễ, nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong khuôn khổ Tháng công nhân đã diễn ra, như: “Gian hàng 0 đồng” dành tặng 500 suất quà cho người lao động, 1.000 bộ áo dài cho nữ công nhân; trao 65 suất quà tặng công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động; tư vấn, khám sức khỏe miễn phí cho hàng nghìn người lao động trong tỉnh... Trước sự chăm lo này, nhiều người lao động xúc động bày tỏ: “Chúng tôi mong ngày nào cũng là "tháng công nhân”.

Tặng quà cho đoàn viên, công nhân lao động tại Vĩnh Phúc. Ảnh: laodong.vn

Ngày nào cũng là "tháng công nhân" không có nghĩa là ngày nào cũng tổ chức các buổi lễ phát động, các hoạt động mang tính phong trào bề nổi. Điều người lao động mong muốn ở đây là được quan tâm, chăm lo hằng ngày, thường xuyên, thực chất, do vậy, đây là mong muốn hoàn toàn chính đáng.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, tổ chức công đoàn, thời gian qua, việc chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động ở các địa phương trên cả nước đã và đang ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận không nhỏ công nhân lao động vẫn hết sức khó khăn. Thu nhập thấp, không có tích lũy, nhiều người phải ở trong các khu nhà trọ tồi tàn, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần, xung quanh bủa vây bởi các loại tệ nạn xã hội, cạm bẫy lừa đảo, vay nợ... điều kiện học tập và tương lai của con cái họ vì thế cũng bị ảnh hưởng. Để từng bước giải quyết tình trạng này thì chắc chắn một Tháng công nhân được tổ chức mỗi năm là không đủ, mà ngày nào cũng phải là "tháng công nhân" với ý nghĩa như đã nói ở trên.

Đương nhiên, muốn làm được điều đó thì không thể thiếu sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tổ chức công đoàn, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng... nhằm tạo môi trường, cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhưng trực tiếp nhất lại là chủ mỗi doanh nghiệp. Thực tế vẫn còn một bộ phận chủ doanh nghiệp đặt lợi nhuận lên trên hết, chỉ “chăm lo” công nhân lao động “xuân thu nhị kỳ” lấy lệ, trả lương thấp, không tương xứng với công sức người lao động bỏ ra cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp, không quan tâm tham gia đầu tư các thiết chế văn hóa, nhà ở, nhà trẻ... phục vụ công nhân... Vì thế, cần vận động, tuyên truyền, đồng thời có những quy định phù hợp để chủ doanh nghiệp chăm lo thực chất cho người lao động, coi đây vừa là yêu cầu mang tính pháp lý, vừa là đạo đức kinh doanh và là chiến lược để chính doanh nghiệp phát triển bền vững chứ không phải một phong trào mang tính thời vụ.

PHƯƠNG HIỀN 

Lượt xem: 3
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...