• :
  • :

Dạy trẻ cư xử đúng mực

Khu nhà tôi có đông trẻ con. Cứ đến chiều, các bà, các mẹ lại cho cháu ra sân chung chơi. Mấy gia đình có cháu nhỏ ở lứa tuổi mầm non thường chụm vào một góc cho trẻ chơi với nhau.

Hôm đó, cả sân chơi đang náo nhiệt thì nghe tiếng gào khóc váng một góc. Thì ra, cháu Cường giành đồ chơi của bạn không được thì ăn vạ. Nhưng khác với ứng xử hay thấy ở các bà mẹ, chị Phương, mẹ Cường vẫn bình thản như không có việc gì. Mấy bà, mấy mẹ khác cũng coi như không có chuyện gì. Họ thống nhất với nhau, không chiều trẻ một cách vô cớ mà cùng lờ đi để trẻ thích khóc thì khóc, thích gào thì gào. Gào khóc chán không ai để ý, cơn giận hờn của Cường nhanh chóng tắt ngấm, lại vui đùa cùng các bạn.

Chia sẻ “bí quyết” dỗ con, chị Phương cho rằng, trẻ nhỏ tuổi này thường tìm cách “nắn gân” người lớn, nếu chúng ta dỗ dành thì coi như thỏa hiệp, lần sau hành vi này sẽ tái diễn. Còn nếu nhiếc mắng hay giáo huấn thì cũng vô giá trị vì trẻ quá nhỏ để hiểu hết những câu nói dài dòng, phức tạp, lại tạo không khí căng thẳng lây sang cả cho trẻ khác. Cư xử của trẻ phải uốn nắn, dạy dỗ dần dần và bằng sự kiên nhẫn. Quan trọng là làm sao dạy được cho trẻ biết cách cư xử đúng mực. Cách dạy con của chị Phương được các bà, các cô tấm tắc khen hay mà hiệu quả.

Trẻ em Trường mầm non Ánh Sao, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh minh họa: TTXVN.

Cư xử đúng mực của trẻ lứa tuổi mầm non mới đây cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập trong Hội thảo "Kinh nghiệm quốc gia và quốc tế xây dựng Chương trình giáo dục mầm non”. Theo đó, cư xử đúng mực sẽ được cụ thể hóa trong Chương trình giáo dục mầm non mới với việc chú trọng 5 năng lực chung gồm: Giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, thích ứng, tự lực. Đồng thời với đó là 4 phẩm chất: Yêu thương, tôn trọng, trung thực, trách nhiệm. “Ở bậc mầm non, chúng ta kỳ vọng ở trẻ có sự yêu thương bản thân, gia đình. Rồi tôn trọng, trung thực, trách nhiệm-đó là những bước ban đầu làm nền tảng để trẻ có lòng yêu nước, nhân ái, trách nhiệm... ở những bậc học cao hơn”, GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Trưởng ban biên soạn Chương trình giáo dục mầm non bày tỏ.

Thực ra chúng ta đã bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 được vài năm. Dự kiến đến năm học 2024-2025 chương trình sẽ được triển khai đồng bộ ở cả 12 khối lớp. Chương trình này chú trọng xây dựng phẩm chất và năng lực cho người học. Tuy nhiên, để trẻ có thể tiếp thu được phẩm chất và năng lực đó dễ dàng, tự nhiên thì giai đoạn chuẩn bị là vô cùng quan trọng. Giai đoạn chuẩn bị đó chính là lứa tuổi mầm non, để đặt những viên gạch đầu tiên, làm vững chắc cho “ngôi nhà” con người Việt Nam mới. Chương trình giáo dục mầm non mới vì thế cũng quan trọng không kém Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hai năm dịch Covid-19, nhiều trẻ lứa tuổi mầm non không được đến trường vô tình tạo ra “khoảng trống” về giáo dục không biết bao giờ mới được lấp đầy. Hiện nay, đây là bậc học còn nhiều chệch choạc. Dạy trẻ từ thuở còn thơ là điều ông cha ta đúc rút từ ngàn xưa nhưng dạy thế nào thì ngoài gia đình, giáo dục ở trường giúp tạo lập đường hướng dạy trẻ biết cư xử đúng mực. Vì thế, cơ sở vật chất, giáo viên... của bậc học này cần sớm được quan tâm đã đành mà Chương trình giáo dục mầm non mới cũng cần sớm được hoàn thiện, triển khai.

HIỀN VINH

Tags: trẻ
Lượt xem: 40
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết