Đặt điện thoại xuống và cầm sách lên
Chuỗi hoạt động với chủ đề “Đặt điện thoại xuống, cầm sách lên” gần đây được các trường học, giáo viên và đông đảo cha mẹ học sinh hưởng ứng tham gia, chia sẻ bằng nhiều kênh khác nhau, nhất là trên mạng xã hội.
Dành thời gian đọc cùng con mỗi ngày, trang trí góc đọc sách sinh động, thưởng cho con những cuốn sách yêu thích, khơi gợi niềm yêu thích đọc sách... là một số trong rất nhiều cách thức của chương trình, được các bậc cha mẹ áp dụng thành công để nuôi dưỡng, nhân lên tình yêu sách của con trẻ. Nhờ đó mà niềm đam mê trò chơi trực tuyến một cách không kiểm soát dần được thay thế bằng tình yêu những trang sách bổ ích, phù hợp với lứa tuổi.
Trong thời buổi kỷ nguyên số hiện nay, nhiều cha mẹ bày tỏ trăn trở trước tình trạng con cái lười đọc sách, chiếc điện thoại trở thành vật bất ly thân để tận dụng mọi thời gian có thể cho các trò chơi trực tuyến hay chương trình giải trí vô bổ. Bàn về mối lo ngại này, một số chuyên gia, người làm công tác giáo dục đưa ra câu hỏi rằng có bao nhiêu gia đình dành thời gian đồng hành, khơi gợi niềm đam mê đọc sách trong con em mình? Nhiều cha mẹ dễ dàng dẫn con đi mua sách, nhưng có thể trong số đó không ít người đã quên, hoặc chưa từng nghĩ tới việc đọc sách cùng con, đọc sách cho con nghe hay chính bản thân chưa coi trọng giá trị của việc đọc sách.
Việc xây dựng thói quen đọc sách rất cần bắt đầu từ cái nôi gia đình. Ảnh minh họa: baodantoc.vn |
Theo số liệu thống kê gần đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% người không đọc sách và 44% người thỉnh thoảng đọc; trung bình một người đọc 4 cuốn sách/năm. Ít đọc sách, ngại đọc sách, lười đọc sách không chỉ là thực trạng diễn ra ở con trẻ, mà là điều tồn tại ở cả một bộ phận không nhỏ người lớn.
Những khó khăn, tồn tại cần giải quyết đồng bộ để thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng nói chung, lớp trẻ nói riêng trước tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội hiện nay thì còn nhiều vấn đề cần bàn. Hành vi của người đọc sách cần được kích thích, khơi gợi bằng nhiều hình thức và một trong những yếu tố mang tính nền tảng, gốc rễ là việc xây dựng thói quen đọc sách rất cần bắt đầu từ cái nôi gia đình, để văn hóa đọc len lỏi vào cuộc sống hằng ngày một cách tự nhiên.
Nếu cha mẹ có thể hun đúc, trao truyền niềm đam mê đọc sách cho con bằng việc chăm đọc sách, lắng nghe con đọc sách, kể lại những cuốn sách hay mà bản thân đọc được... thì chắc chắn sự vun đắp ấy vô cùng đáng quý. Đó cũng là cách thức mà nhiều người tham gia chương trình “Đặt điện thoại xuống, cầm sách lên” thực hiện thành công, giúp con trẻ và chính bản thân không chỉ thích sách, mà sách đến với mỗi thành viên trong gia đình như những người bạn, trú ngụ lại trong tâm trí một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng, dần trở thành chất liệu quan trọng của nghĩ suy, rung cảm, của sự kiếm tìm tri thức, trải nghiệm bản thân, lắng nghe, nhận ra giá trị và sửa mình.
Siêng hay lười đọc sách ở con trẻ phụ thuộc nhiều vào hành trình chúng ta gây dựng, đồng hành. Kỷ nguyên số có thể là một áp lực cho sách giấy, nhưng điều ấy không là rào cản nếu mỗi người muốn đọc, thích đọc. Sách số, sách bản giấy chỉ cần chứa đựng những giá trị, chắc chắn là sự lựa chọn của người yêu sách.
HỒNG THẠNH