• :
  • :

Chuyển đổi số trong giáo dục không thể nửa vời

Trong thời gian ngắn, ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã đạt được những kết quả khả quan trong chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và quản lý giáo dục. Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số nhanh chóng khi nguồn lực còn hạn chế đã mang tới không ít khó khăn, cần có sự đầu tư mạnh mẽ cả về vật chất và con người để tháo gỡ.

Tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu

Thay vì điểm danh học sinh theo hình thức thủ công như trước, giờ đây, học sinh Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình, TP Hà Nội) chỉ mất 2 giây để hoàn thành báo danh đến trường qua hệ thống thẻ từ điểm danh. Việc triển khai hệ thống thẻ từ điểm danh cho hơn 1.600 học sinh là một bước tiến trong công tác quản lý học sinh và chuyển đổi số trong giáo dục của nhà trường.

Thông tin đến trường của học sinh cũng được gửi thẳng tới các phụ huynh để gia đình nắm bắt, quản lý đồng thời cùng nhà trường, tạo nên sự kết nối chặt chẽ, hiệu quả giữa học sinh với nhà trường và gia đình trong các hoạt động giáo dục. Không chỉ kiểm soát sĩ số, thời gian tới, chiếc thẻ sẽ được tích hợp thêm nhiều chức năng khác nhằm thuận tiện cho các hoạt động học tập, sinh hoạt của học sinh tại trường.

Học sinh Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình, TP Hà Nội) điểm danh qua cổng điện tử bằng thẻ từ. Ảnh: ĐĂNG CHUNG 

Hà Tĩnh và Bến Tre là hai tỉnh có nhiều kết quả nổi bật trong việc chuyển đổi số trong giáo dục. Tại Hà Tĩnh, 100% trường học đã sử dụng phần mềm quản lý học sinh, quản lý giáo viên, sổ liên lạc điện tử. Dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục cũng được đẩy mạnh với tỷ lệ 55% thủ tục được cung cấp trực tuyến. Tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã sử dụng sổ điện tử quản lý học sinh trên phần mềm thay thế cho sổ giấy. Từ năm học 2022-2023, 100% trường THPT thực hiện chữ ký số của giáo viên trên học bạ và các sổ điện tử khác trong nhà trường.

Tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu là nhiệm vụ quan trọng để hướng tới xây dựng dữ liệu lớn phục vụ chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Bộ GD-ĐT đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với hơn 25 triệu hồ sơ nhân sự toàn ngành, kho học liệu điện tử với hơn 7.000 bài giảng. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu này đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành, đồng thời tạo cơ hội tiếp cận thông tin, học liệu cho mọi người.

TS Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cho hay, Bộ GD-ĐT đã xây dựng hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông (gần 53.000 trường học). Nguồn dữ liệu chi tiết giúp ngành nắm cụ thể nhân sự của từng nhà trường, từ đó bóc tách được nhiều vấn đề liên quan như thừa-thiếu giáo viên ở từng địa phương, từng môn học; quản lý tình trạng sức khỏe học sinh; quản lý triển khai Chương trình "Sóng và máy tính cho em"... Năm 2023, Bộ GD-ĐT bắt đầu xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS).

Đây là công cụ để cải cách hành chính trong công tác báo cáo, quản lý điều hành. Đồng thời, thông tin mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, danh mục ngành đào tạo, thông tin chương trình đào tạo; thông tin đội ngũ, người học... sẽ giúp đưa các giá trị thực về người học từ đầu vào đến đầu ra, văn bằng. Từ đó thấy được bản đồ nhân lực của đất nước trong từng năm, giúp các ngành mở chương trình đào tạo sao cho đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thách thức trong chuyển đổi số

Năm 2023 là năm đầu tiên tất cả thí sinh thực hiện các khâu liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến, từ đăng ký thi đến nộp lệ phí, xét tuyển đại học. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số ít những hoạt động giáo dục được chuyển đổi số triệt để. Việc chuyển sang hồ sơ số, chữ ký số đang khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là khi giáo viên chuyển công tác, học sinh chuyển trường.

Theo dẫn chứng của ông Nguyễn Trần Thạnh, chuyên viên Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, khi hồ sơ học bạ của học sinh là điện tử, nhưng theo yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông, giáo viên phải in ngược ra để ký, sau đó tiếp tục scan để lưu. Việc này không khác gì chuyển đổi số nửa vời, rất mất thời gian, đi ngược lại mục tiêu đặt ra khi thực hiện chuyển đổi số.

Hạ tầng công nghệ thông tin là vấn đề được đặt ra ở nhiều địa phương, nhất là những vùng khó khăn. Các nhà trường tuy đã được đầu tư nâng cấp nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện chuyển đổi số. Điều này dẫn đến cơ sở dữ liệu bị chia tách, không liên thông, kết nối được với nhau. Cùng với đó là khó khăn về nhận thức của người dân trong chuyển đổi số. Ngay cả ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, giáo viên vẫn đang phải gồng mình gánh thêm việc khi thực hiện song song cả học bạ điện tử và học bạ giấy.

Chia sẻ về thực tế này, ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình, TP Hà Nội cho hay: “Để giải quyết vấn đề này, quận Ba Đình đã triển khai nhiều giải pháp, như nâng cao năng lực công nghệ thông tin cho giáo viên, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống phần mềm phù hợp. Qua công tác đánh giá, kiểm định của Bộ GD-ĐT, quận Ba Đình được công nhận đứng đầu trong chuyển đổi số giáo dục. Giáo viên hiện rất hào hứng và đánh giá công nghệ thông tin và chuyển đổi số không phải là nhiệm vụ cấp trên ép xuống mà là quyền lợi của giáo viên. Quận Ba Đình đã đưa hơn 20.000 tài liệu dùng cho tất cả các trường trong quận, gần 4.000 giáo viên trên địa bàn quận có thể truy cập và sử dụng bất kỳ sáng kiến kinh nghiệm nào được đưa lên hệ thống, như vậy giáo viên sẽ có thêm thời gian. Quan điểm của chúng tôi là chuyển đổi số không làm thầy cô mệt mỏi hơn mà phải làm thầy cô hạnh phúc hơn”.

Liên quan đến vấn đề chữ ký số của giáo viên, các sở GD-ĐT cũng đặt ra khó khăn về kinh phí khi số lượng giáo viên lớn trong khi giá dịch vụ cao. TS Nguyễn Sơn Hải cho hay, hồ sơ điện tử là nhiệm vụ lớn, liên quan đến giảm thủ tục hành chính, giấy tờ của ngành. Bộ GD-ĐT đã cho phép sử dụng chữ ký số, việc tổ chức thực hiện chữ ký số thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn vì đây là lĩnh vực rất mới.

Hiện Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định về chuẩn dữ liệu để cơ sở dữ liệu tương thích với toàn hệ thống; thúc đẩy các cơ sở giáo dục thực hiện hình thức thanh toán online, hạn chế phần nào tình trạng lạm thu ở các cơ sở giáo dục.

“Xã hội số tác động rất lớn nên cần nghiên cứu kỹ các điều kiện bảo đảm thực hiện và lường trước các tình huống khi triển khai với nguyên tắc tăng cường chuyển đổi số vào việc nào, khâu nào thì chất lượng ở đó phải tốt hơn”, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Sơn Hải chia sẻ.

THU HÀ

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...