• :
  • :

Chú trọng đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục

Mấy năm trở lại đây, huyện Thanh Trì luôn dành từ 30% đến 40% ngân sách đầu tư công để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dạy học... Cùng với đó, ngành giáo dục cũng quyết liệt nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ giáo viên nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm qua, UBND huyện Thanh Trì luôn quan tâm đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục; thực hiện điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường, lớp học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Toàn huyện hiện có 58/72 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 80,55%. Triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phát triển ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Thanh Trì giai đoạn 2016-2021”, tính đến tháng 8-2021, ngân sách huyện đã bố trí hơn 1.796 tỷ đồng thực hiện 11 dự án trường học...

Năm 2021, UBND huyện Thanh Trì quyết định đầu tư hơn 140 tỷ đồng xây dựng Trường THCS Vĩnh Quỳnh, xã Vĩnh Quỳnh tại vị trí mới. Qua hơn một năm thi công, ngày 10-2-2022, cô và trò Trường THCS Vĩnh Quỳnh trở lại trường sau thời gian học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19 trong sự vui mừng. Ngôi trường mới khang trang với 45 phòng học, 13 phòng chức năng ở 5 khu riêng biệt cùng các trang thiết bị dạy học hiện đại, đồng bộ đáp ứng cả việc dạy và học trực tuyến, trực tiếp.

 Học sinh Trường THCS Vĩnh Quỳnh đọc sách tại thư viện nhà trường. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH

Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà trường, thầy giáo Lê Thịnh, Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Quỳnh cho biết: "Trước đây, thầy và trò nhà trường phải học hai ca trong ngôi trường được xây dựng từ những năm 1964, 1965. Năm 2016, mặc dù ngôi trường được đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn không đáp ứng đủ số phòng học và các điều kiện giảng dạy, học tập. Nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả trang thiết bị, cơ sở vật chất được đầu tư, 100% cán bộ, giáo viên của nhà trường tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, hướng dẫn do Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì, đối tác tổ chức. Ngoài ra, các thầy, cô giáo còn tự nghiên cứu, áp dụng phương pháp giáo dục và dạy học tiên tiến cùng sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại với mục tiêu xây dựng nhà trường thành đơn vị giáo dục chất lượng cao; giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức và trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, tính năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên và khả năng thích ứng cao”.

Rời Trường THCS Vĩnh Quỳnh, chúng tôi đến thăm Trường Mầm non xã Duyên Hà tại thôn Đại Lan, xã Duyên Hà (Thanh Trì). Đây là ngôi trường cũng được xây mới với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng trên khuôn viên 7.650m2. Trước đây, trẻ em trong thôn phải học nhờ tại nhà văn hóa chỉ với 2 phòng học, cơ sở vật chất thiếu thốn khiến việc dạy dỗ, chăm sóc các cháu gặp nhiều khó khăn. Ở điểm trường mới, ngoài 11 phòng học còn có 5 phòng chức năng được đầu tư hiện đại, kiểm định chất lượng giáo dục đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2. Ngoài điểm trường tại thôn Đại Lan, Trường Mầm non xã Duyên Hà còn được đầu tư xây mới tại điểm trường thôn Văn Khúc với số tiền hơn 32 tỷ đồng, xây dựng 8 phòng học và 5 phòng chức năng. Cô giáo Hoàng Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Duyên Hà chia sẻ: "Trong thời gian nghỉ giãn cách, chuẩn bị đón học sinh đến trường, giáo viên đều tự bồi dưỡng, nâng chuẩn và đến nay 100% đều đạt trên chuẩn sư phạm mầm non. Ngoài ra, các cô còn tham gia học tập chuyên đề phù hợp với giáo dục mầm non hiện đại, đạt trình độ A2 về ngoại ngữ, đáp ứng tốt yêu cầu về công nghệ thông tin để sử dụng các trang thiết bị, xây dựng video giảng dạy cho trẻ...". Chị Trần Thị Phương Anh, người dân thôn Đại Lan tâm sự: “Hai cháu nhà tôi đều học ở đây. Vợ chồng tôi cũng như nhiều gia đình trong thôn rất phấn khởi, yên tâm khi cho con học ở đây vì khuôn viên, lớp học rộng rãi, đầy đủ trang thiết bị học tập, nhà ăn hiện đại và vệ sinh. Các cô giáo thì luôn niềm nở, nhiệt tình, chu đáo”.

 Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì thông tin thêm: “Song song với đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chúng tôi cũng quyết liệt chỉ đạo các nhà trường nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, quản lý giáo dục đáp ứng với nhu cầu đổi mới giáo dục... Cùng với đó, toàn ngành sẽ tăng cường kỷ cương, nền nếp trong các cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong đó, giáo dục phổ thông chú trọng đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; giáo dục mầm non chú trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Chúng tôi xác định, giáo dục trong thời kỳ hội nhập phải bảo đảm phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nội lực, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến...”.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN - VĂN THI

Tags: qdnd
Lượt xem: 234
Tác giả: Mai Phương Thảo