• :
  • :

Cho thuê, bán tài khoản ngân hàng: Cẩn trọng để tránh tiếp tay cho tội phạm

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng đang diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn mới. Trong đó, các đối tượng sử dụng những tài khoản ngân hàng do thuê, mua được để thực hiện các giao dịch chuyển và nhận tiền của bị hại. Khi người dân cho thuê hoặc bán tài khoản ngân hàng của mình nghĩa là gián tiếp tạo điều kiện cho kẻ xấu lừa đảo trên không gian mạng, đồng thời chính họ có thể gặp phải những rủi ro nghiêm trọng, không chỉ về mặt pháp lý mà còn liên quan đến tài chính, uy tín cá nhân.

Với thủ tục mở tài khoản ngân hàng ngày càng đơn giản, nhanh chóng, thậm chí có thể mở online như hiện nay thì hầu như ai cũng có thể mở tài khoản ở một hoặc nhiều ngân hàng. Dễ như vậy thì tại sao có người lại cần mua, thậm chí là mua nhiều tài khoản ngân hàng? Có bao giờ người bán tài khoản tự hỏi vì sao có người muốn mua, mua dùng vào việc gì, hay chỉ vì món lợi nhỏ trước mắt lại đưa thông tin cá nhân, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng của mình.

 

Người dân cho thuê, bán tài khoản ngân hàng có thể gặp nhiều rủi ro (ảnh minh họa). Ảnh: NGUYỄN HUYỀN

Không ít trường hợp chưa kịp mừng vì nhận được số tiền bán tài khoản đã phải ân hận vì việc đã làm. Trường hợp của anh L.H.M.C ở phố Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội là một ví dụ. Anh L.H.M.C đã bán tài khoản ngân hàng cho một người có nhu cầu mua trên mạng xã hội. Sau đó vài ngày, Facebook của anh bị hacker chiếm quyền sử dụng. Các đối tượng đã dùng Facebook của anh để nhắn tin cho người quen, bạn bè vay tiền. Do tài khoản ngân hàng mà các đối tượng lừa đảo cung cấp để mọi người chuyển khoản đúng với tên của anh L.H.M.C nên đã có nhiều người chủ quan và chuyển tiền. Anh L.H.M.C chia sẻ: “Sau khi mọi người bị lừa chuyển tiền, tôi ra ngân hàng yêu cầu khóa tài khoản, tuy nhiên các đối tượng đã tẩu tán tiền bằng cách chia nhỏ, sử dụng để mua hàng hóa tại các trang thương mại điện tử của nước ngoài hoặc chuyển tiền vào ví điện tử mua thẻ cào điện thoại, thẻ game... Tôi rất áy náy vì hành động thiếu hiểu biết của mình đã ảnh hưởng đến mọi người”.

Thủ đoạn của các đối tượng thường đăng tải thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về việc thuê, mua tài khoản ngân hàng hoặc tiếp cận với những người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc sinh viên nhờ thuê mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền công với giá từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin đăng nhập Internet Banking, sim điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng... cho đối tượng. Các đối tượng sẽ sử dụng các tài khoản ngân hàng có được do mua bán để thực hiện giao dịch chuyển và nhận tiền của bị hại, sau đó lấy tiền ra bằng nhiều phương thức khác nhau. Đã có nhiều nhóm tội phạm mua tài khoản ngân hàng để kiếm lời bị bắt. Ngày 12-9-2023, Công an quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) đã thi hành lệnh bắt với đối tượng Hoàng Đức Nhu (sinh năm 1993) về hành vi thu thập, tàng trữ, mua bán, trao đổi trái phép các tài khoản ngân hàng. Qua điều tra được biết, Nhu đã sử dụng các tài khoản Facebook đăng vào các hội nhóm để thu mua các tài khoản ngân hàng, sau đó bán lại. Hoàng Đức Nhu khai nhận đã mua bán, trao đổi 212 tài khoản ngân hàng, thu lợi hơn 100 triệu đồng.

Nhiều người đăng tin cho thuê, bán tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội. Ảnh: NGUYỄN HUYỀN

Chỉ vì món lợi vài trăm nghìn đến vài triệu đồng mà người bán tài khoản ngân hàng có nguy cơ bị phạt số tiền gấp hàng chục lần, thậm chí bị xử lý hình sự vì đã tiếp tay cho tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, đa số những người được thuê mở tài khoản không biết việc mình mở tài khoản để bán, cho thuê, cho mượn là vi phạm pháp luật. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết: “Theo Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, sẽ phạt tiền 40-50 triệu đồng những hành vi như thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản; mua, bán thông tin tài khoản thanh toán từ 1 tài khoản cho đến dưới 10 tài khoản thanh toán. Người dùng có thể bị phạt tiền 50-100 triệu đồng về hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán; mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản trở lên. Tùy mức độ, người cho thuê, bán tài khoản có thể bị coi là đồng phạm với đối tượng hoặc bị xử lý hình sự về “Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” tại Điều 291 Bộ luật Hình sự hiện hành với khung hình phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phú Lương, Phó giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết: “Hiện nay, nhiều ngân hàng có những chính sách để tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân dễ dàng trong việc mở tài khoản. Chính vì vậy, các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi mua bán trái phép các thông tin tài khoản ngân hàng. Tiếp đó, các đối tượng lừa đảo sẽ tìm những người có cùng tên với tài khoản trên mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo. Người dân cần có biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân; cẩn trọng với lời đề nghị kiếm tiền dễ dàng liên quan đến việc thuê, bán tài khoản ngân hàng, tránh trở thành nạn nhân của tội phạm. Những ai đã cho thuê, bán tài khoản hãy ra ngay ngân hàng để báo khóa tài khoản. Ngoài ra, nếu phát hiện bất kỳ hoạt động mua, bán tài khoản ngân hàng nào, công dân cần báo ngay lập tức với cơ quan công an để xử lý, giải quyết”.

HUYỀN TRANG - THU THỦY

Tags: ngân hàng