• :
  • :

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực giữa tháng 3

Điều chỉnh tăng trợ cấp hằng tháng với cán bộ xã đã nghỉ việc; quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; tăng 7.4% lương hưu đối với một số đối tượng từ ngày 01/01/2022...là một số chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 03/2022 (từ ngày 11 - 20/3/2022).

Hướng dẫnchất lượng sản phẩm, hàng hóa là một trong những chính sách có hiệu lực giữa tháng 3/2022

Hướng dẫnchất lượng sản phẩm, hàng hóa là một trong những chính sách có hiệu lực giữa tháng 3/2022

Điều chỉnh tăng trợ cấp hằng tháng với cán bộ xã đã nghỉ việc

Đây là nội dung tại Thông tư 2/2022/TT-BNV hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng từ ngày 01/01/2022 đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc theo Quyết định 130-CP và Quyết định 111-HĐBT.

Theo đó, từ ngày 01/01/2022, tăng thêm 7,4% mức trợ cấp hằng tháng trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 12/2021 đối với cán bộ cấp xã già yếu đã nghỉ việc theo công thức tính như sau: Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ 01/01/2022 = Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 12/2021 x 1,074;

Trường hợp, sau khi điều chỉnh theo công thức trên mà thấp hơn 2.500.000 đồng/tháng thì đã được tăng thêm mức trợ cấp như sau: Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức trợ cấp hằng tháng dưới 2.300.000 đồng/người/tháng; tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.

Thông tư 2/2022/TT-BNV có hiệu lực thi hành từ 15/3/2022, các chế độ được thực hiện kể từ 01/01/2022.

Quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Ngày 21/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 132/2008/NĐ-CP, 74/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định 86/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đo lường. Theo đó, bổ sung quy định về quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa (SPHH).

Nghị định quy định trách nhiệm của Bộ Khoa học và công nghệ là: Giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc SPHH; hướng dẫn nâng cao năng lực kỹ thuật cho hoạt động truy xuất nguồn gốc SPHH và hỗ trợ phát triển SPHH chủ lực, phát triển kinh tế-xã hội của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương; quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc SPHH bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu; quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu; quản lý tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với SPHH trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.

Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý tổ chức triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với SPHH trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.

Nghị định 13/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/3/2022.

Tăng 7.4% lương hưu đối với một số đối tượng từ ngày 01/01/2022

Nội dung này được hướng dẫn tại Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hằng tháng, thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc.

Theo đó, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của một số đối tượng được điều chỉnh tăng 7,4% so với mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021, với công thức như sau: Mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng từ tháng 01/2022 bằng = Mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp tháng 12/2021 x 1,074.

Đối tượng áp dụng là: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả đối tượng theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 15/3/2022 và thay thế Thông tư 10/2019/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2019.

Danh mục chỉ tiêu thống kê kinh tế số

Theo Thông tư 13/2021/TT-BKHĐT quy định về Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số ban hành ngày 31/12/2021 thì danh mục chỉ tiêu thống kê kinh tế gồm 05 chỉ tiêu là: Quy mô kinh tế số; hạ tầng số; mức độ phổ cập phương tiện số; Mức độ phổ cập dịch vụ trực tuyến; kỹ năng số và nguồn nhân lực kỹ thuật số.

Về tổ chức thực hiện, Bộ KH&ĐT (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan: Thu thập, tổng hợp thông tin thống kê đối với các chỉ tiêu thống kê kinh tế số được phân công, bảo đảm cung cấp số liệu thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tích hợp, lưu trữ, khai thác số liệu thống kê kinh tế số; hướng dẫn, kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số; phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan rà soát danh mục và nội dung các chỉ tiêu thống kê theo quy định của Thông tư này để kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Bộ TT&TT và các bộ, ngành có liên quan, căn cứ vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số thực hiện lồng ghép, thu thập, tổng hợp những chỉ tiêu được phân công, cung cấp cho Bộ KH&ĐT (Tổng cục Thống kê) để tổng hợp, biên soạn; phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT (Tổng cục Thống kê) trong sửa đổi, bổ sung Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số khi có yêu cầu, chủ trương từ các cơ quan quản lý của Đảng, Chính phủ.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ KH&ĐT (Tổng cục Thống kê) và chỉ đạo, điều hành các sở, ban, ngành ở địa phương thực hiện thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu (hoặc phân tổ chỉ tiêu) thống kê kinh tế số trong phạm vi được phân công.

Thông tư 13/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 15/3/2022.

Lượt xem: 334
Tác giả: Gia Khánh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...