• :
  • :

Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em vùng cao

Để kéo giảm sự chênh lệch về các chỉ số sức khỏe bà mẹ, trẻ em giữa các vùng, ngành Y tế thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là tại các dân tộc thiểu số và miền núi, để hướng tới mục tiêu giảm tỉ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ em.

Nhân viên y tế xã Sơn Phú, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang tuyên truyền về dinh dưỡng, khám sức khỏe sinh sản và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho các bà mẹ. (Ảnh: Quốc Việt)
Nhân viên y tế xã Sơn Phú, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang tuyên truyền về dinh dưỡng, khám sức khỏe sinh sản và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho các bà mẹ. (Ảnh: Quốc Việt)

 

Những con số ấn tượng

Các tỉnh trung du miền núi phía Bắc có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh và là khu vực trọng điểm của ngành Y tế. Tuy nhiên, hiện nay đây cũng là một trong những vùng khó khăn nhất cả nước, hệ thống y tế kém phát triển. Các cấp, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới y tế, tăng cường chất lượng dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em (CSSKBMTE).

Hoà Bình là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, với dân số khoảng 930.000 người (trong đó dân tộc Mường chiếm 63%), tỉnh có 10 huyện/thành phố với 151 xã/phường/thị trấn đã tích cực xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch của ngành Y tế về CSSKBMTE và trẻ sơ sinh với các hoạt động chuyên môn như: cung cấp các gói dịch vụ làm mẹ an toàn, dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp,… với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em. Đồng thời củng cố mạng lưới triển khai Chương trình Chăm sóc sức khỏe sinh sản với các đầu mối ở tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã/phường.

Đặc biệt, toàn tỉnh có 59 xã khu vực III - đây cũng là địa bàn người dân được hưởng lợi từ Dự án 7 - Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các hoạt động đã được triển khai thực hiện tại các xã khu vực III có thể kể đến như: đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe,…

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, tỉnh Hòa Bình đã đạt được những con số ấn tượng trong công tác CSSKBMTE. Tính đến hết tháng 9 năm 2023, tại tỉnh Hòa Bình có 99% bà mẹ, trẻ sơ sinh được thực hiện chăm sóc y tế trước, trong và sau sinh đúng quy định, giảm thiểu tai biến sản khoa. Không có trường hợp tử vong mẹ. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân <2.500gr đều thấp hơn so với chỉ tiêu được giao.

Tương tự, tỉnh Tuyên Quang sau thời gian triển khai nhiệm vụ về Chăm sóc sức khỏe, giảm tử vong bà mẹ đã đạt được các tín hiệu tích cực trong công tác y tế. Đến tháng 9/2023, Tuyên Quang đã đào tạo được 6 lớp chăm sóc trước, trong và sau sinh cho cô đỡ thôn bản và y tế thôn bản với tổng số 250 cô cho 46 xã thôn bản vùng sâu, vùng xa. Đây là một trong các nhân lực được đánh giá cao trong CSSKBMTE vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đơn cử tại xã Sơn Phú, huyện Na Hang, Tuyên Quang, y sĩ Quan Trung Sỹ - Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết, mỗi tháng, nhân viên y tế thôn, bản sẽ đến các hộ gia đình để tuyên truyền, vận động bà mẹ thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản; động viên phụ nữ mang thai và gia đình tới khám thai định kỳ; tư vấn về ăn uống đủ chất cho trẻ em và phụ nữ có thai bằng các sản phẩm sẵn có tại gia đình… Kết quả từ những nỗ lực đó là 9 tháng đầu 2023, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng của trẻ em của xã Sơn Phú đã giảm còn 15,2%; tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao là 23,92%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai trong ba thời kỳ của thai đạt 95%; tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván đạt 91%...

Khó khăn tồn tại

Thông qua những con số ấn tượng trên có thể thấy hệ thống y tế cơ sở đã có nhiều bước phát triển mới, các chỉ số sức khỏe của người dân nơi đây đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, chương trình CSSKBMTE còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Tại tỉnh Hòa Bình, một số trạm y tế chưa có đầy đủ những trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn; thiếu tài liệu, phương tiện truyền thông. Chưa huy động được nguồn lực hỗ trợ bổ sung cho việc triển khai các hoạt động tại các xã vùng I, II dẫn đến hạn chế trong việc triển khai các hoạt động: đào tạo cập nhật về chuyên môn kỹ thuật, hoạt động truyền thông,…

Còn tại tỉnh Tuyên Quang, bác sĩ Đỗ Thị Lệ Quyên - Phó Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang bày tỏ: “Khó khăn nhất bây giờ là kinh phí vì chăm sóc từ 7 đến 42 ngày đầu sau sinh chỉ có ở dự án 7. Các cán bộ sản và y tế thôn bản hoặc đỡ đẻ tại nhà sản phụ rồi đến chăm sóc tại chỗ 7 đến 42 ngày đầu. Tuy nhiên, việc thực hiện theo dự án này chỉ có ở vùng đặc biệt khó khăn, không những vậy kinh phí không nhiều nên thực hiện không được tốt. Nếu có kinh phí, cán bộ y tế chúng tôi sẽ triển khai chăm sóc sức khỏe bà mẹ được tốt hơn...”. Cùng với kinh phí là những hạn chế về nhân lực, tại khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản 2 năm nay cũng chỉ có 2 cán bộ thay nhau triển khai các hoạt động.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi, các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I là một trong những vùng ưu tiên hàng đầu trong công tác CSSKBMTE. Để hiệu quả cao hơn, cần bố trí hợp lý nguồn nhân lực làm công tác CSSKBMTE; có chính sách thu hút cán bộ sản/nhi về công tác ở tuyến cơ sở, cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi để người dân từ bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, tăng cường sử dụng dịch vụ y tế tại cơ sở y tế.

Ngày 14/10/2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025. Chương trình đưa ra mục tiêu từ năm 2021 đến hết năm 2025 triển khai 10 dự án, trong đó có dự án đặc biệt dành cho đối tượng phụ nữ dân tộc thiểu số. Đây là lần đầu tiên Chương trình Mục tiêu quốc gia dành riêng một dự án về bình đẳng giới, với tổng nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 2.387,812 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương, giai đoạn 2026 - 2030; dự kiến 1.357,75 tỷ đồng. Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 đã diễn ra từ ngày 1 - 7/10/2023 tại 51 tỉnh thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Lượt xem: 6
Tác giả: Linh Chi
Nguồn:baophapluat.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...