• :
  • :

Chăm lo, phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, công tác giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư, hỗ trợ cả về cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng nhân tài nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô.

Công tác giáo dục đào đạo ngày càng được quan tâm

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng hơn 100 nghìn người dân tộc thiểu số thuộc 50/53 dân tộc thiểu số sinh sống đan xen cùng người Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố. Trong đó, đồng bào các dân tộc thiểu số sống quần cư thành thôn ở 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức, với dân số trên 55.000 người, chiếm 51% người dân tộc thiểu số trong toàn thành phố.

Những năm qua, thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006, Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/02/2013 của Chính phủ, công tác giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư, hỗ trợ cả về cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng nhân tài nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô.

Chăm lo, phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Lãnh đạo Ban Dân tộc thành phố Hà Nội tuyên dương học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu của thành phố

Giai đoạn 2019 - 2024 thành phố Hà Nội đã bố trí trên 4.555 tỷ đồng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở giáo dục trường công lập; hỗ trợ 63 tỷ đồng cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đến nay, 80% trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia.

Hiện có 13.847 giáo viên đang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông hàng năm đều đạt từ 85% trở lên; tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học đạt 100%, tỷ lệ học trung học phổ thông trên 90%.

Chất lượng dạy và học được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi, học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp ngày càng cao. Định kỳ 2 năm/lần Ban Dân tộc thành phố chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu.

Hằng năm thực hiện công tác cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số vào Trường phổ thông Dân tộc Nội trú Hà Nội đúng quy định. Giai đoạn 2019 - 2024, đã cử tuyển được 5.058 em. Học sinh dân tộc thiểu số được hưởng mức học bổng bằng 80% mức lương cơ sở và được cấp sách giáo khoa, văn phòng phẩm, dụng cụ học tập, cặp sách và các đồ dùng sinh hoạt đầy đủ theo quy định. Cán bộ, giáo viên trực tiếp giảng dạy được hưởng phụ cấp ưu đãi 70% lương cơ bản, 0,3 hệ số lương trách nhiệm. Các chế độ chính sách khác được thực hiện kịp thời, đầy đủ.

Chăm lo, phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hệ thống trường, lớp học vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của Nhân dân

Bên cạnh xây dựng trường, lớp học, nhiều cơ sở giáo dục đã chú trọng các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Theo đó, các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên chỉ đạo, động viên cán bộ, giáo viên đổi mới phương pháp giáo dục nhằm nâng cao chất lượng. Trường cũng thực hiện tốt việc rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu để tiếp cận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết các nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh trình bày, thảo luận, luyện tập, thực hành, bảo vệ kết quả học tập của mình.

Cùng với nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất giáo dục, thành phố Hà Nội luôn coi trọng việc đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, trên địa bàn các xã dân tộc, miền núi có hơn 200 giáo viên đang công tác là người dân tộc thiểu số.

Hằng năm, Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội đều tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên công tác tại các trường trên địa bàn thành phố nói chung và giáo viên giảng dạy tại trường Phổ thông dân tộc nội trú và các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chăm lo, phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cùng với nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất giáo dục, thành phố Hà Nội luôn coi trọng việc đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngành giáo dục Hà Nội cũng định kỳ tổ chức hội nghị, hội thảo, hội thi về nghiên cứu, trao đổi sáng kiến kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong từng trường; tổ chức thao giảng, dự giờ tại trường Phổ thông dân tộc nội trú và các trường phổ thông trên địa bàn vùng dân tộc. Qua đó, trình độ năng lực chuyên môn, phẩm chất và tinh thần trách nhiệm của nhà giáo ngày càng được nâng cao, nhiều nhà giáo đạt chuẩn theo quy định, cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục

Với nỗ lực và quyết tâm cao của ngành Giáo dục và Đào tạo, của các thầy, cô giáo và các em học sinh, sinh viên nói chung, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số nói riêng, chất lượng dạy và học vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô được duy trì ổn định và có nhiều chuyển biến tiến bộ trên các mặt, ở tất cả cấp học, các nhà trường và đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

Chăm lo, phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Trong thành tích chung của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, có những đóng góp xứng đáng của giáo viên, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Nội dù sinh sống, công tác, học tập ở các quận nội thành hay ở các huyện ngoại thành, vùng nông thôn hay miền núi đều đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu giảng dạy, học tập, tu dưỡng để đạt được thành tích cao.

Trưởng Ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cũng cho hay: Thời gian qua, công tác giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Nhà nước. Những chủ trương, chính sách đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Ngoài chính sách của Nhà nước có tính ổn định, còn có các chương trình, đề án, dự án về phát triển giáo dục vùng khó khăn. Vì vậy, hệ thống trường, lớp học vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của Nhân dân. Các điểm trường, lớp học được xây dựng đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh.

Chăm lo, phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng bào dân tộc thiểu số TP Hà Nội trong Chương trình “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô

Ðến nay, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hoàn thành cơ bản mục tiêu về phổ cập giáo dục; chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn được nâng lên qua từng năm học. Khi trường, lớp được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại và có chính sách hỗ trợ học sinh kịp thời, tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT hằng năm đều tăng. Công tác dạy và học được khuyến khích đã tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và ổn định an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ông Nguyễn Nguyên Quân kiến nghị UBND thành phố tiếp tục bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng trường, lớp học, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học nhằm tăng nhanh số lượng các trường đạt chuẩn quốc gia. Ban hành thêm các chính sách đặc thù hỗ trợ đối với học sinh, cán bộ, giáo viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô.

Ban Dân tộc thành phố cũng đề xuất các cấp, bộ ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những chính sách phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phù hợp giai đoạn mới. Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo tiếng dân tộc cho giáo viên nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết cho các dân tộc thiểu số...

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 2
Tác giả: Ngọc Diệp
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...