Cần thêm các chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng
Trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã thực thi nhiều chính sách để triển khai công tác bảo vệ và phát triển rừng đến từng cơ sở, cộng đồng và người dân sống gần rừng. Hiện nay, đa số người dân được thụ hưởng các chính sách này là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có rừng, miền núi. Tuy vậy, việc thực thi các chủ trương, chính sách này vẫn gặp không ít khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ.
Tỉnh Bắc Kạn có diện tích rừng tự nhiên là hơn 373 nghìn héc-ta. Đa số khu rừng đặc dụng nằm xen kẽ với các thôn, bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Theo chính sách bảo vệ và phát triển rừng của địa phương, nhiều diện tích đã được các đơn vị quản lý giao khoán cho nhân dân bảo vệ với mức kinh phí 150 nghìn đồng/ha/năm.
Tỉnh Bắc Kạn cũng có chính sách hỗ trợ cây, con giống, tập huấn khoa học kỹ thuật và hỗ trợ mỗi thôn, bản vùng đệm 40 triệu đồng/năm để xây dựng đường sá, cầu cống, nhà văn hóa... Tuy vậy, những khoản hỗ trợ này khá thấp bởi cư dân sinh sống trong vùng rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, không được phép khai thác lâm sản phụ hay khai khẩn nương rẫy, giao thông cách trở nên đời sống người dân rất khó khăn.
Ông Nông Thiêm Du, người dân tộc Tày, là Trưởng thôn Vằng Khít, xã Lương Thượng, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Gói hỗ trợ 40 triệu đồng với thôn ít người có hiệu quả hơn, còn thôn đông người chia ra đầu người được ít quá. Tôi mong các cấp lãnh đạo điều chỉnh, nâng mức hỗ trợ sao cho hợp lý vì bà con vùng lõi, vùng đệm đều có cuộc sống khó khăn”.
Ông Bhních Trên, người dân tộc Cơ Tu, ở thôn Pà Ong, xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam được cán bộ địa phương hướng dẫn trồng rừng. Ảnh: TUYẾT LÊ |
Theo đồng chí Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, các chính sách về bảo vệ, phát triển rừng như: Chi trả phí dịch vụ môi trường rừng, giao khoán rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, du lịch kết hợp với tài nguyên rừng tại các khu vực được cấp phép đã giúp đời sống của cộng đồng người dân tộc thiểu số có nhiều đổi thay.
Tuy vậy, những mô hình này còn khá ít và chưa được triển khai nhân rộng. Tỉnh Bắc Kạn có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất cả nước đạt tới hơn 73%, nhưng người dân chưa thể sống được từ bảo vệ rừng. Hộ gia đình quản lý khoảng 20ha rừng thì một năm cũng chỉ có được khoảng 8 triệu đồng nếu ở xã đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy mới có những câu chuyện người dân vi phạm pháp luật liên quan đến phá rừng. Tỉnh Bắc Kạn mong muốn Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, nâng định mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng cho người dân để người dân phần nào bớt khó khăn”.
Cả nước ta đang có 59 tỉnh, thành phố có rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Theo các chuyên gia, để thực hiện hiệu quả hơn công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát huy lợi thế tài nguyên rừng cần xây dựng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó cần quy định rõ việc phân vùng lâm nghiệp trọng điểm, quan tâm chính sách đầu tư, chính sách chi thường xuyên, chính sách khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Nâng mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, nâng mức kinh phí quản lý bảo vệ rừng ổn định cho Ban quản lý rừng đặc dụng. Hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm rừng đặc dụng từ 40 triệu đồng/thôn, bản/năm lên mức cao hơn.
Thông tin của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng báo cáo giữa kỳ Tiểu dự án 1 và dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đưa ra đánh giá về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Cụ thể năm 2022, kinh phí được cấp chưa đáp ứng nhu cầu kế hoạch năm (bằng 10% tổng vốn phê duyệt của dự án), thời gian cấp muộn nên ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng, gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức triển khai, phân bổ kinh phí, thủ tục thanh, quyết toán kinh phí khoán bảo vệ rừng theo các hợp đồng giao khoán. Năm 2023, kinh phí được cấp từ đầu năm nhưng các địa phương còn lúng túng, chậm triển khai; tỷ lệ giải ngân thấp.
Bà Phạm Thu Thủy, Trưởng đại diện Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) tại Việt Nam cho rằng: Cộng đồng dân tộc thiểu số sống gần rừng đa số là đối tượng ở thế yếu. Họ gặp nhiều khó khăn về kinh tế, điều kiện sinh hoạt. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong chi trả phí dịch vụ môi trường rừng cho họ cần giải pháp đồng bộ và phù hợp.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm sự chênh lệch trong chi trả dịch vụ môi trường rừng như một số địa phương chỉ là giải pháp ngắn hạn, thời gian tới, chúng ta cần hoàn thiện các văn bản pháp lý để bổ sung nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng; tăng cường cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng quản lý cơ sở dữ liệu về rừng; có chính sách phát triển rừng trồng một cách hiệu quả. Các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động hơn trong việc cụ thể hóa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vào đặc thù mỗi địa phương.
Để nâng cao hiệu quả trong bảo vệ và phát triển rừng của đồng bào dân tộc thiểu số rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, ngành chức năng trong việc hỗ trợ người dân hiểu rõ, chấp hành và thực hiện các chính sách. Chính bản thân cá nhân, cộng đồng người dân tộc thiểu số cần có sự chủ động, ý chí quyết tâm, đoàn kết trong việc bảo vệ rừng và phát triển các mô hình kinh tế từ rừng.
TUẤN PHONG