Cần thay đổi tư duy, cách làm trong xây dựng luật
Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Xem xét, thông qua nhiều dự án luật quan trọng
Theo thông báo của Văn phòng Quốc hội, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 21-10-2024 và dự kiến bế mạc vào ngày 3-12-2024. Kỳ họp tiến hành theo hai đợt: Đợt 1 từ ngày 21-10 đến 12-11; đợt 2 từ ngày 20-11 đến 3-12.
Tại kỳ họp này, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung quan trọng, trong đó có 29 nội dung về công tác lập pháp, 10 nhóm nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, nhân sự và quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền.
Dự kiến tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 16 dự án luật, 2 nghị quyết quy phạm pháp luật, trong đó có 4 dự án luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh là: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn). Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với 12 dự án luật khác. Như vậy, đây là kỳ họp có số lượng dự án luật được cho ý kiến, xem xét thông qua nhiều nhất kể từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Các chuyên gia pháp luật đóng góp ý kiến đề nghị sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: ANH TUẤN |
Trong những năm qua, nhất là từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) có hiệu lực thi hành, công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế ở Việt Nam đã có sự đổi mới rõ rệt, đồng bộ, minh bạch, khả thi hơn, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Nhờ sự đổi mới này mà từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Quốc hội khóa XV đã xem xét, thông qua nhiều đạo luật quan trọng, hợp lòng dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, với việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng pháp luật
Mới đây, phát biểu tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược được Đảng và Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, công tác xây dựng, ban hành pháp luật trong nhiệm kỳ này ngày càng được thực hiện bài bản, khoa học, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm nghẽn về thể chế cần được tháo gỡ để khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội và các chuyên gia pháp luật, quy trình xây dựng pháp luật hiện nay đã không còn phù hợp với yêu cầu mới, như: Chưa đủ cơ chế linh hoạt để Chính phủ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phản ứng chính sách hoặc xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn (như tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang...). Quy trình lập đề nghị, xây dựng, ban hành văn bản trong một số khâu, công đoạn còn chưa thực sự hợp lý, linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu xử lý trường hợp cấp bách, đột xuất.
Các quy định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, cụ thể; chưa có cơ chế hiệu quả để tiếp nhận ý kiến của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức về các vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quy trình xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, rõ ràng, nhất là về xem xét, xử lý trách nhiệm đối với những vi phạm về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Kinh phí, định mức phân bổ cho công tác xây dựng pháp luật còn thấp, không đủ để thực hiện các bước trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như xây dựng và đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn...
Chính vì vậy, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu mới đặt ra, góp phần giải quyết, xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập. Trong đó, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, địa phương để khắc phục tình trạng cơ quan, tổ chức, địa phương không quan tâm, đầu tư trong việc nghiên cứu, góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến kết quả góp ý kiến thiếu chất lượng, đến khi ban hành văn bản thì đề xuất sửa đổi, bổ sung...
Đặc biệt, cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Đồng thời, đơn giản hóa, giảm tầng nấc, loại hình văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; phân định rõ quy trình lập pháp và quy trình xây dựng văn bản dưới luật; phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình này.
ĐỖ PHÚ THỌ