Cần có chính sách để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Thơm, Phó cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh, chính trị.
Phóng viên (PV): Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đáng lo ngại như nào, thưa bà?
Bà Hoàng Thị Thơm: Việt Nam bắt đầu xuất hiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh từ năm 2006 khi tỷ số giới tính khi sinh là 109,8 bé trai/100 bé gái. Chúng ta đã khống chế được tốc độ gia tăng của tỷ số giới tính khi sinh nhưng tỷ số này hiện vẫn đang ở mức cao, từ năm 2012 đến nay luôn duy trì ở mức trên 112 bé trai/100 bé gái (năm 2023 là 112), đặc biệt một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng tỷ lệ này lên đến gần 120 như: Hưng Yên (119,5), Hải Dương (118,3), Quảng Ninh (124,4). Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, an ninh, chính trị, ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình và cộng đồng, xã hội và các chuẩn mực xã hội (vị thế và vai trò của người phụ nữ ngày càng bị hạ thấp, phụ nữ còn trở thành hàng hóa của nạn buôn bán người và mại dâm). Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059.
Bà Hoàng Thị Thơm, Phó cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ảnh: MINH TRÍ |
PV: Theo bà, cần có những chính sách, giải pháp như thế nào để có thể giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên?
Bà Hoàng Thị Thơm: Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Việt Nam cần áp dụng các biện pháp can thiệp vào nguyên nhân gốc rễ của việc lựa chọn giới tính khi sinh là sự ưa thích con trai nên cần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; chúng ta cần thực hiện chính sách về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Thực hiện Công ước về quyền trẻ em và các cam kết quốc tế của Việt Nam về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về giới. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính khi sinh dưới mọi hình thức; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong giai đoạn 2022 - 2026, Cục Dân số phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc thông qua dự án “Phòng, chống và ứng phó với bạo lực giới và các thực hành có hại khác” triển khai hoạt động thí điểm cơ chế phối hợp liên ngành về phòng ngừa và ứng phó với lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, nhằm tiến tới hoàn thiện cơ chế phối hợp và triển khai đồng bộ tại các tỉnh, thành phố trong những năm tới.
Chăm sóc sản phụ tại Nghệ An. Ảnh: TRÂM ANH |
PV: Hiện nay Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng nhưng cũng đã phải đối mặt với già hóa dân số. Ý kiến của bà về vấn đề này?
Bà Hoàng Thị Thơm: Trong những năm qua, công tác dân số đã đạt được một số thành tích. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Chất lượng dân số được cải thiện nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng xấp xỉ 74 tuổi. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc thể lực người Việt được cải thiện. Năm 2007, chúng ta bước vào thời kỳ dân số vàng, tạo ra những lợi thế về số lượng lớn người trong độ tuổi lao động để phát triển kinh tế - xã hội. Thời kỳ dân số vàng đem lại nguồn lực dồi dào nếu được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động, sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích lũy lớn cho đất nước. Như vậy tận dụng được cơ cấu dân số vàng sẽ tạo ra sự vượt bậc về kinh tế.
Tuy nhiên, Việt Nam gần như đồng thời bước vào giai đoạn dân số vàng và già hóa dân số. Năm 2011, chúng ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, đến năm 2038 sẽ bước vào giai đoạn dân số già, thời gian chuẩn bị của chúng ta rất ngắn trong khi cùng một lúc phải đầu tư cho phát triển để tận dụng lợi thế dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.
Già hóa dân số sẽ đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế-xã hội. Đó là thách thức về cơ cấu lực lượng lao động và các biến đổi kinh tế - xã hội liên quan đến nguồn cung lao động và sử dụng lao động người cao tuổi. Già hóa dân số dẫn đến biến đổi cơ cấu lực lượng lao động và các biến đổi kinh tế - xã hội. Trong khi đó hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Bệnh viện, các chuyên khoa về lão khoa và hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các cấp chưa bắt kịp với nhu cầu của người cao tuổi. Hiện nay, phần đông người cao tuổi ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần, đặt ra yêu cầu phải có các giải pháp phù hợp về chăm sóc sức khỏe, thu nhập, mạng lưới an sinh xã hội và hỗ trợ pháp lý cho người cao tuổi. Hệ thống chính sách chưa có nhiều hiệu quả trong khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ người cao tuổi để bảo đảm thu nhập, có việc làm phù hợp, học tập, giải trí, rèn luyện sức khỏe, một môi trường thân thiện...
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
DIỆP CHÂU (ghi)