Cần cải tiến quy trình giải quyết nuôi con nuôi trong nước
Công tác nuôi con nuôi đã có những đóng góp tích cực vào việc cụ thể hóa chính sách chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của Nhà nước, thực thi hiệu quả các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên cũng như góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, đất nước ta. Tuy nhiên, cần cải tiến một số điểm của quy trình giải quyết nuôi con nuôi trong nước để công tác nuôi con nuôi ngày càng thực chất và hiệu quả, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Đóng góp tích cực vào việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
Luật Nuôi con nuôi đã được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2010. Ngày 1/2/2012, Việt Nam chính thức trở thành thành viên Công ước La Hay số 33 về Bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế. Sau 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay, công tác giải quyết việc nuôi con nuôi của Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định như: thể chế pháp luật về nuôi con nuôi cơ bản đã hoàn thiện và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã tìm được gia đình thay thế ở trong nước và nước ngoài; công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi đã đi vào nền nếp; quyết định cho nhận con nuôi nước ngoài được đương nhiên công nhận ở tất cả các nước thành viên Công ước La Hay.
Năm 2021 vừa qua, lĩnh vực nuôi con nuôi tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tình trạng trẻ em Việt Nam đã có quyết định cho làm con nuôi nước ngoài nhưng chưa thực hiện được thủ tục bàn giao đã ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của trẻ em và của cha mẹ nuôi người nước ngoài. Trước thực trạng đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp (Cục Con nuôi) đã phối hợp với một số bộ, ngành và địa phương tổ chức Lễ giao nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Đặc biệt, cuối tháng 10/2021, Lễ giao nhận 92 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cư trú tại 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho 91 gia đình cha mẹ nuôi của 8 nước châu Âu đã được Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức tập trung, an toàn và thành công tại TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh dịch COVID-19. Sự kiện này là minh chứng cho thấy ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác nuôi con nuôi, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bộ, ngành Tư pháp trong thúc đẩy công tác con nuôi và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho trẻ em được nuôi dưỡng và phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, qua đó đóng góp tích cực vào việc cụ thể hóa chính sách chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của Nhà nước, thực thi hiệu quả các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên cũng như góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, đất nước ta.
Cần cải tiến quy trình theo hướng lấy trẻ em làm trung tâm
Tuy nhiên, công tác giải quyết việc nuôi con nuôi vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong thực tế, trong đó đáng chú ý là quy trình giải quyết nuôi con nuôi trong nước có một số điểm cần cải tiến.
Theo quy định hiện hành, nhằm tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng hoặc những người độc thân có nhu cầu và đủ điều kiện xin nhận nuôi con nuôi trong nước nhưng vẫn chưa tìm được trẻ thích hợp thì có thể đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi người đó thường trú; nếu có trẻ em để giới thiệu làm con nuôi thì Sở Tư pháp giới thiệu đến UBND cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật. Sau khi đã hoàn thành hồ sơ của người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi, người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú và thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày UBND cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
UBND cấp xã tiếp nhận hồ sơ thì phải tiến hành kiểm tra hồ sơ, công chức tư pháp – hộ tịch phải nghiên cứu, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của những người liên quan. Trường hợp người được nhận làm con nuôi có cha mẹ đẻ, thì công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra việc cha mẹ đẻ có thỏa thuận với cha mẹ nuôi để giữ lại quyền, nghĩa vụ đối với con và cách thức thực hiện quyền, nghĩa vụ đó sau khi đã cho làm con nuôi. Việc lấy ý kiến những người liên quan do công chức tư pháp – hộ tịch của UBND cấp xã thực hiện và việc lấy ý kiến về việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi…; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó. Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Sự tự nguyện của người nhận nuôi con nuôi cũng như người được nhận làm con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên phải được lập thành văn bản và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người được lấy ý kiến.
Quy định này vướng mắc ở chỗ trong quá trình làm hồ sơ, người đăng ký nhận nuôi con nuôi cần chuẩn bị rất nhiều hồ sơ từ người nhận con nuôi, người được nhận làm con nuôi, việc cung cấp hồ sơ chứng minh để cơ quan có thẩm quyền xác minh đến việc mất nhiều thời gian để chuẩn bị các giấy tờ liên quan đó và đợi công chức tư pháp xác minh, lấy ý kiến của những người liên quan. Nhưng nếu hồ sơ không đủ điều kiện thì lại từ chối đăng ký trong khi có những điều kiện không đáp ứng được có thể thấy ngay thời điểm tiếp nhận hồ sơ. Ví dụ như điều kiện hơn con nuôi 20 tuổi nhưng người nhận nuôi con nuôi chỉ hơn con 18 tuổi, có thể thấy ngay hồ sơ không hợp lệ, tuy nhiên theo thủ tục luật định sau khi tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra và lấy ý kiến nhưng người liên quan, khi không đủ điều kiện trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối. Như vậy, thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi còn lòng vòng và mất nhiều thời gian.
Trước thực trạng này, Cục Con nuôi đã nghiên cứu bước đầu cải tiến quy trình giải quyết nuôi con nuôi trong nước (và cả nuôi con nuôi nước ngoài). Được biết, quy trình cải tiến theo hướng lấy trẻ em làm trung tâm và bảo đảm việc giải quyết nuôi con nuôi phù hợp với lợi ích tốt nhất của trẻ, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Theo đó, công tác đánh giá điều kiện gia đình, xã hội, pháp lý của trẻ em, công tác xã hội trong lĩnh vực nuôi con nuôi và tìm gia đình phù hợp cho trẻ em là những hướng lớn trong cải tiến quy trình để công tác nuôi con nuôi ngày càng thực chất và hiệu quả.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc cải tiến quy trình là cần thiết nhưng cũng tránh làm phát sinh các thủ tục mới và phức tạp thêm, bởi cải tiến quy trình không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý của cơ quan nhà nước mà còn phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị nên nghiên cứu để có một quy trình chung cho cả nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi nước ngoài./.