• :
  • :

Bảo đảm thuốc điều trị cho người bệnh

Một thời gian dài, nhiều bệnh viện trong cả nước lâm vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do chậm hoàn thành các thủ tục đấu thầu.

Điều này đã ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh (KCB), khiến người bệnh phải chịu nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, thời gian qua, bằng nỗ lực của mình, nhiều bệnh viện đã từng bước khắc phục khó khăn trong đấu thầu, mua sắm để bảo đảm thuốc điều trị cho người bệnh.

Kiên trì gỡ khó

Từ đầu năm 2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái thực hiện gần 30 gói thầu mua sắm thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế, có những gói thầu phải làm đi làm lại thủ tục tới 4 lần. Tuy nhiên, việc gói thầu phải thực hiện đến lần thứ tư không phải lỗi từ bệnh viện và các cơ quan quản lý nhà nước mà thực tế có những gói thầu không có nhà thầu cung ứng hoặc có nhiều mặt hàng không có trên thị trường...

 Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Bác sĩ Diêm Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất việc thiếu thuốc điều trị cho người bệnh. Để thực hiện thành công các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, bệnh viện đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin như thực hiện bệnh án điện tử hoàn toàn, kiểm soát số lượng vật tư y tế, hóa chất qua phần mềm công nghệ thông tin, đồng thời dự báo sát nhu cầu điều trị, vật tư y tế. Với các loại thuốc hiếm, thuốc đắt tiền, bệnh viện đều có những phương án mua sắm khi cần thiết.

Bác sĩ Trịnh Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã tổ chức nhiều đợt lựa chọn nhà thầu, tiến hành hơn 50 gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư, thuốc thành công theo quy định, đáp ứng tương đối đủ nhu cầu KCB, điều trị. Bệnh viện chia ra nhiều gói thầu khác nhau, riêng trang thiết bị, vật tư chia theo nhóm có tính năng, kỹ thuật tương đồng để nâng cao tính cạnh tranh. Nhiều nhà thầu có thể tham gia, bệnh viện có điều kiện lựa chọn được nhà thầu cung ứng sản phẩm có chất lượng tốt, giá hợp lý.

“Trong thực hiện đấu thầu, mua sắm, chúng tôi rất kiên trì. Ví như lần này, chúng tôi sẽ đấu thầu mua sắm khoảng 1.000 mặt hàng thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như nhà thầu không tham dự, không đủ cung ứng, chất lượng, giá cả không đáp ứng được tiêu chí của bệnh viện nên dự kiến chỉ thực hiện được 70% nhu cầu. Số còn lại, bệnh viện tiếp tục họp hội đồng khoa học thống nhất đấu thầu, mua sắm tiếp và gối thêm các gói khác để có được số thuốc, vật tư phục vụ điều trị người bệnh”, bác sĩ Trịnh Ngọc Hải thông tin.

Chia sẻ với báo chí, bác sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: "Nhiều quy định trong quy trình đấu thầu, mua sắm của bệnh viện thời gian qua đã được rút ngắn. Ban giám đốc bệnh viện đã giao các nhóm chuyên môn (như nhóm dược, nhóm vật tư) thực hiện những công đoạn đấu thầu, mua sắm. Bệnh viện cũng yêu cầu các khoa, phòng, trung tâm phải báo cáo số liệu, đề xuất cụ thể.

Ví dụ, một số vật tư chỉ còn khoảng 3 ngày là hết thì khoa, phòng, trung tâm phải gửi báo cáo về bộ phận vật tư, sau đó ban giám đốc hội ý rồi họp hội đồng khoa học để bàn thảo, nhận định việc thiếu này thực sự cấp thiết, có ảnh hưởng đến cấp cứu, chữa trị bệnh nhân nặng, hồi sức hay không... rồi mới quyết định hình thức mua sắm theo tình huống khẩn cấp. Bệnh viện sẽ giao bộ phận chuyên môn tiến hành mua sắm để sớm có vật tư theo quy định".

Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm thuốc điều trị

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 5.000-6.000 bệnh nhân đến khám, trong đó có hơn 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú; gần 200 trẻ thường xuyên phải thở máy, thở oxy. Để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, lãnh đạo bệnh viện yêu cầu các khoa, phòng, trung tâm phải lập kế hoạch sát với nhu cầu KCB của đơn vị. “Điều cốt lõi nhất để bảo đảm hoạt động của bệnh viện, công tác mua sắm, đấu thầu phải tuân thủ các quy định pháp luật. Chúng tôi luôn nỗ lực giải quyết những vướng mắc liên quan đến công tác KCB để hướng tới mục tiêu chung là phục vụ tốt nhất người bệnh”, bác sĩ Trịnh Ngọc Hải nhấn mạnh.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong mua sắm thiết bị, vật tư y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, bác sĩ Diêm Sơn cho rằng, bệnh viện luôn nhận được sự đồng hành, chia sẻ của sở y tế, các ban, ngành trong tỉnh. Tháng 6-2023, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành văn bản về trình tự mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế; trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thời gian hoàn thành của các ngành liên quan thuộc tỉnh nhằm đẩy nhanh quá trình thẩm định, phê duyệt các gói thầu, từ đó rút ngắn thời gian chờ thẩm định để các cơ sở y tế chủ động được mua sắm, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, kinh nghiệm rút ra trong thời gian qua là sự điều phối nhịp nhàng giữa nơi thiếu và nơi đang có thuốc, vật tư y tế của sở y tế cũng như ngay mỗi bệnh viện để đạt mục tiêu cao nhất là người bệnh không thiếu thuốc điều trị. "Khi thiếu thuốc cục bộ, điều quan trọng là các tỉnh, thành phố không nên đặt nặng vấn đề bệnh nhân của bệnh viện này, tỉnh khác... mà cần phải có sự liên kết, hỗ trợ để người bệnh không phải điều trị quá xa nhà, phải chuyển lên tuyến Trung ương gây quá tải", đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái chia sẻ.

Bài và ảnh: DIỆP CHÂU

Tags: thuốc
Lượt xem: 7
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...