• :
  • :

Bảo đảm người bệnh cấp cứu được khám, điều trị kịp thời

Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, trong khi đó, tại Việt Nam, thời tiết ở miền Bắc là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Cảnh giác với các bệnh truyền nhiễm và Covid-19

Theo Cục Y tế dự phòng, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong tháng 12-2023, thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do Covid-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11-2023. Các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi, hiện biến thể JN.1 gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu ghi nhận sự gia tăng trở lại của các ca nhiễm Covid-19 cùng với sự lây lan của những bệnh về đường hô hấp khác như cúm mùa và virus hợp bào hô hấp (RSV). Biến thể JN.1 là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của Omicron. Theo Bộ Y tế, mặc dù hiện nay chưa có bằng chứng về sự tăng nặng của biến thể này so với các biến thể trước đó nhưng số ca mắc SARS-CoV-2 nói riêng và những bệnh về đường hô hấp nói chung được dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là ở các quốc gia đang bước vào mùa đông.

 Người cao tuổi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: PHONG LAN 

Ông Hoàng Minh Đức, Phó cục trưởng phụ trách quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, trong nước, tại khu vực miền Bắc vẫn đang trong giai đoạn mùa đông-xuân, thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô xen kẽ nồm ẩm là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan. Các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng... và một số bệnh có vaccine dự phòng tiếp tục ghi nhận số ca mắc gia tăng ở nhiều nơi. Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số ca mắc, nhất là với trẻ em và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc bệnh truyền nhiễm. Do đó, Cục Y tế dự phòng đã có công văn đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu với UBND tỉnh, thành phố sớm ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 và huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là trong dịp Tết. Các sở y tế cần chỉ đạo trung tâm kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại địa phương, lưu ý theo dõi sự gia tăng của các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, những trường hợp viêm phổi nặng do virus; chủ động giám sát, giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng, tại những cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong, thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng. Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa những trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Các đơn vị tiếp tục triển khai nhiều giải pháp bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và chuẩn bị các phương án ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ.

Tổ chức tốt công tác khám và điều trị

Để bảo đảm tốt công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh cho nhân dân, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị y tế yêu cầu tăng cường công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh trong dịp Tết và mùa lễ hội 2024. Tại văn bản này, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt việc bảo đảm thường trực 4 cấp: Trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính-hậu cần và trực bảo vệ-tự vệ. Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị tổ chức thăm hỏi và tổ chức đón Tết cho người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết, trong đó, chú ý đối tượng người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách... Các bệnh viện cần có phương án đối phó với tai nạn, ngộ độc, cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra. Bộ Y tế sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất công tác chuẩn bị, thực hiện thường trực của một số bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, bệnh viện ở các địa phương trước và trong dịp Tết. Ngoài ra, để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là, cần chủ động đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên những phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người. Chia sẻ với phóng viên, PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mỗi ngày Bệnh viện đón tiếp khoảng 5.000 bệnh nhi đến khám và điều trị. Do đó, để bảo đảm công tác y tế, nhất là trong dịp Tết, Bệnh viện đã có phương án thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh 24/24 giờ. Các khoa lâm sàng bảo đảm thăm khám người bệnh đầy đủ, phát hiện, xử lý, thông báo những trường hợp cấp cứu, các dịch bệnh nguy hiểm để có kế hoạch xử trí kịp thời. Đồng thời, Bệnh viện cũng đã lên kế hoạch tổ chức Chương trình “Xuân yêu thương 2024” dành tặng các bệnh nhi và gia đình phải ở lại viện điều trị trong dịp Tết. 

DIỆP CHÂU