An toàn giao thông: Hoàn thiện chính sách về bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em
Tại Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) trẻ em đã giảm, tuy nhiên vẫn còn ở mức rất cao.
Mỗi năm có khoảng 1.800-2.000 trẻ em tử vong do TNGT. TNGT cùng với đuối nước là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em ở nước ta.
Trẻ em chưa có nhận thức đầy đủ, chưa có khả năng tự bảo vệ và lường trước được những rủi ro có thể xảy ra khi tham gia giao thông. Thế nhưng hiện nay, tại các vùng quê, rất dễ bắt gặp hình ảnh nhóm trẻ em dưới 16 tuổi đi xe máy, xe máy điện tham gia giao thông.
Điều này rất nguy hiểm, bởi đây là nhóm đối tượng chưa được đào tạo về kỹ năng điều khiển phương tiện hay kiến thức khi tham gia giao thông. Đối với phương tiện xe ô tô, nhiều phụ huynh vẫn để trẻ em ngồi ghế trước hoặc đứng trong xe, vươn tay ra cửa sổ, thò đầu qua cửa sổ trời... Thậm chí, thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc đau lòng liên quan tới xe ô tô đưa đón học sinh vì thiếu những quy định pháp lý rõ ràng...
Hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đang xem xét hai dự án luật quan trọng, đó là: Dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Các dự án luật này được kỳ vọng sẽ hoàn thiện chính sách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho nhóm yếu thế nói riêng, trong đó có trẻ em.
Theo đó, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần xem xét tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan tới thiết bị an toàn cho trẻ em; có quy định chặt chẽ về mũ bảo hiểm trẻ em thông qua ban hành tiêu chuẩn chất lượng mũ bảo hiểm phù hợp cho từng lứa tuổi trẻ em; tăng cường tuyên truyền, giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm; vị trí an toàn của trẻ em trên xe ô tô; quy định về loại hình ô tô đưa đón học sinh...
Khi tham gia giao thông, trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương. Bảo vệ trẻ em trước mối nguy về TNGT là trách nhiệm chung của toàn xã hội; trong đó, việc hoàn thiện chính sách, bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em là điều cấp thiết và có tác động sâu rộng.
MINH ĐỨC