3 loại "ung thư hôn nhân": Khi một người mắc thì nửa kia cần được tầm soát càng sớm càng tốt
Nếu một người mắc bệnh thì nửa kia cũng nên đi khám để có biện pháp can thiệp từ sớm.
Khi nhắc đến "ung thư hôn nhân" nhiều người sẽ lầm tưởng rằng ung thư có thể truyền nhiễm. Xong thực tế không phải vậy.
Bác sĩ Wang Donglin (Giám đốc Khoa Ung bướu tại Bệnh viện Ung thư trực thuộc Đại học Trùng Khánh, Trung Quốc) khẳng định: Ung thư không phải căn bệnh có thể lây nhiễm từ người bệnh sang người khỏe mạnh, bởi nó xuất phát từ những thay đổi trong tế bào mỗi người.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng tiết lộ rằng : "Dù ung thư không phải là bệnh truyền nhiễm nhưng các loại virus, vi khuẩn gây ung thư như viêm gan B và C, vi khuẩn HP... lại có thể lây lan cho nhau".
Hơn nữa, ung thư hôn nhân có thể xảy ra do các cặp vợ chồng có thói quen sinh hoạt, môi trường sống, cách tiêu thụ thực phẩm giống nhau. Hoặc cũng có thể xuất hiện do thói quen hút thuốc lá của chồng, vợ là người hít khói thuốc lá thụ động.
Do đó, một số loại ung thư dưới đây có thể coi là "ung thư hôn nhân". Nếu một người mắc bệnh thì nửa kia cũng nên đi khám để có biện pháp can thiệp từ sớm.
1. Bệnh ung thư dạ dày: Có liên quan đến vi khuẩn HP
Ung thư dạ dày là một loại ung thư vô cùng phổ biến. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc loại ung thư này bao gồm các bệnh về đường tiêu hóa, do chế độ ăn kém khoa học với nhiều món chiên, nướng, các món tẩm ướp gia vị, các món nhiều muối...
Ngoài ra, Helicobacter pylori (HP) cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh ung thư dạ dày. Khi nhiễm HP, con người có thể bị viêm loét dạ dày mãn tính, rối loạn tiêu hóa và gây nên ung thư gan hoặc ung thư dạ dày. Tiến trình bệnh thường kéo dài âm ỉ hàng chục năm nên hãy đi khám sức khỏe thường xuyên để kiểm tra.
Đáng nói, HP cực kỳ dễ lây lan cho vợ chồng, con cái do chúng có hiện diện trong nước bọt, niêm mạc miệng... HP có thể lây qua việc ăn uống chung, dùng chung đũa, chấm chung bát nước mắm, gắp đồ ăn cho nhau...
Giải pháp:
- Gia đình cần thực hiện thói quen ăn riêng bát nước mắm, không dùng chung bát đũa thìa của nhau.
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.
2. Ung thư gan: Có liên quan đến viêm gan B, viêm gan C
Trong các loại virus thì virus viêm gan A, B và C là hay gặp ở người nhất. Những loại virus này đều có thể gây nên tình trạng viêm gan mãn tính và gây xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Đáng nói, loại virus này rất dễ lây lan, thường lây thông qua các chất dịch của cơ thể như máu, tinh dịch và dịch tiết âm đạo.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, một vài hành động như dùng chung đồ cá nhân có chứa máu như dao cạo và bàn chải đánh răng và quan hệ tình dục... là nguồn lây truyền virus viêm gan hàng đầu.
Giải pháp:
- Tiêm phòng viêm gan B, C từ sớm.
- Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe, có một số dấu hiệu của viêm gan như sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đau bụng, đau cơ khớp... cần đến bệnh viện để được thăm khám.
- Khám sức khỏe, tầm soát ung thư định kỳ.
3. Ung thư phổi: Liên quan khói thuốc lá
Ở Việt Nam, ung thư phổi cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở phụ nữ.
Ai cũng thuộc lòng khẩu hiệu "Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe", nhưng điều đáng nói là, những người sống xung quanh người nghiện thuốc lá cũng phải chịu những hậu quả nặng nề không kém.
Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 60 được xếp vào loại gây ung thư. Những người hút thuốc lá thường chỉ hít phải 10% khói thuốc vào phổi, 90% còn lại sẽ khuếch tán trong môi trường, đặc biệt có hại cho trẻ sơ sinh và phụ nữ mang bầu.
Theo Cancer.org, hút thuốc lá thụ động có thể khiến người lớn, đặc biệt là phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư họng, ung thư thanh quản, ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư não, ung thư phổi…
Còn với trẻ em, nếu thường xuyên phải hít khói thuốc lá của bố, trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư gan, bạch cầu, ung thư hạch, u não.
Giải pháp:
- Bạn có thể bảo vệ lá phổi khỏe mạnh nếu thực hiện các thói quen tốt như: Bỏ hút thuốc lá, ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, tránh xa các khu vực ô nhiễm hoặc nguy cơ có khói độc, hạn chế uống rượu bia, thường xuyên tập thể dục, đi ngủ đủ giấc, uống nhiều nước.
- Nếu một người có các triệu chứng phổi không khỏe, chẳng hạn như khó thở trong các hoạt động hàng ngày, đau khi thở hoặc ho không biến mất... thì cần đi khám bác sĩ sớm.
Theo Tiêu Vy
Phụ nữ Việt Nam