10 sự kiện giáo dục nổi bật năm 2023
Năm 2023 sắp khép lại, nhìn lại một năm hoạt động của ngành giáo dục với rất nhiều những sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm, Bộ GD-ĐT đưa ra 10 sự kiện giáo dục và đào tạo nổi bật nhất năm 2023.
1. Đánh giá kết quả 10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29
Ngày 4-11-2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29).
Dự thảo Đề án tổng kết Nghị quyết 29 đã nhận định rõ những thành tựu quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong 10 năm qua. Đồng thời, đánh giá đầy đủ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế và đề xuất các định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 29 tại Kiên Giang. |
2. Thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo 6 vùng kinh tế - xã hội
Để tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ, có tính đột phá trong phát triển của 6 vùng kinh tế - xã hội (trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long), Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sáu vùng kinh tế - xã hội trong cả nước. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để triển khai các Nghị quyết.
3. Đánh giá giữa kỳ quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Năm 2023, đánh dấu một nửa chặng đường triển khai dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một nửa chặng đường cho thấy việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bước đầu đã tạo được những chuyển biến rất tích cực, làm thay đổi chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của học sinh, thay đổi phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
Bên cạnh những kết quả rõ nét, nửa chặng đường đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế đến từ nguyên nhân khách quan, chủ quan. Quá trình triển khai cũng cho thấy các cấp, các ngành Trung ương, địa phương đang từng bước tháo gỡ các khó khăn, hạn chế.
4. Phê duyệt sách giáo khoa mới
Sách giáo khoa mới giúp học sinh dễ tiếp cận với bài học có kênh chữ và kênh hình đẹp, dễ hiểu. Được thiết kế, trình bày bằng các hoạt động đa dạng giúp giáo viên dễ dạy, định hướng cho giáo viên lựa chọn phương án, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực. Phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khả năng tự học của học sinh. Tăng cường tính tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, trò với trò.
Việc lựa chọn sách giáo khoa được Bộ GD-ĐT hướng dẫn, điều chỉnh theo quy định của Luật Giáo dục 2019. |
5. Xác định phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Ngày 28-11-2023, Bộ GD-ĐT ban hành Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025”.
Theo phương án, nội dung Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Họp báo công bố phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. |
6. Phát triển và chăm lo đội ngũ nhà giáo
Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7-2023 - nâng mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng đã giúp cho mức lương, thu nhập của giáo viên có sự cải thiện, qua đó giúp giáo viên phần nào đảm bảo cuộc sống, yên tâm gắn bó với nghề.
Việc bỏ thi thăng hạng viên chức đã giúp xóa bỏ những tồn tại từ thực tiễn và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo giáo viên. Thông tư số 08/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 3/2021/TT-BGDĐT 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2-2-2021 của Bộ GDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Năm 2024 các địa phương sẽ tiếp tục được giao bổ sung 27.800 biên chế giáo viên, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các trường mầm non, phổ thông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ nhà giáo tiêu biểu đại diện cho giáo viên cả nước nhân dịp 20-11-2023. |
7. Gặp gỡ trên một triệu giáo viên cả nước
Ngày 15-8-2023, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp gỡ bằng hình thức trực tuyến với trên một triệu giáo viên cả nước. Đây là lần đầu tiên, hoạt động này được tổ chức. Trước khi diễn ra, thông qua kênh của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có hơn 6.300 câu hỏi được gửi tới Bộ trưởng, cho thấy sự quan tâm, mong mỏi của giáo viên được trò chuyện, được lắng nghe giải đáp trực tiếp từ người đứng đầu ngành về những vấn đề thiết thân với đội ngũ.
8. Tích cực, chủ động chuyển đổi số
Năm 2023, ngành giáo dục lần đầu tiên đưa vào khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS), trong đó có công tác tuyển sinh thực hiện trực tuyến trên HEMIS. Đến nay, Bộ GD-ĐT đã đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm của hơn 97.000 sinh viên đã tốt nghiệp năm 2022 và gần 7.400 sinh viên tốt nghiệp năm 2023. Bộ GD-ĐT đã thực hiện xác thực và định danh được gần 24,21/25 triệu hồ sơ điện tử công dân là giáo viên và học sinh; đã đồng bộ, làm giàu cho dữ liệu dân cư thông tin (chuyên ngành GD-ĐT) của hơn 24 triệu công dân là giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh ngành Giáo dục.
9. Phát động phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời
Ngày 10-6-2023, Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Lễ phát động với mục đích tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” . |
10. Duy trì top 10 quốc gia đạt kết quả các kỳ thi Olympic quốc tế cao nhất
Năm 2023 tiếp tục đánh dấu một năm thành công của giáo dục mũi nhọn, khi các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế và khu vực liên tục mang về thành tích cao.
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt, tuyên dương đoàn học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023. |
7 đoàn học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế với 36 lượt học sinh tham gia, gồm: 1 đoàn Tin học tham dự Olympic khu vực châu Á- Thái Bình Dương, 1 đoàn Vật lý tham dự Olympic khu vực Châu Á và 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế là Toán, Hóa học, Sinh học, Vật lý và Tin học.
Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về cho nước nhà thành tích xuất sắc, tất cả các thí sinh của các đoàn đi thi đều đoạt giải, với 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen. Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi năm 2023 tiếp tục giữ thành tích trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất, nhiều học sinh đạt số điểm cao nhất.
KHÁNH HÀ